Đồ gỗ nội thất cho các công trình khách sạn 4-5 sao trên thế giới đang rất cần nhà cung cấp. Khách hàng đòi hỏi sản phẩm có chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh, nếu đáp ứng được, doanh nghiệp (DN) gỗ Việt Nam sẽ có được hợp đồng giá trị rất lớn.
Đơn hàng bắt đầu tăng
Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết xuất khẩu gỗ hằng năm đều có mức tăng trưởng 2 con số nhưng năm 2022, xuất khẩu toàn ngành chỉ tăng 6,1% so với năm 2021, đạt 16,928 tỉ USD. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong chục năm qua.
Bước sang năm 2023, tình hình còn khó khăn hơn. Hai tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ cả nước đạt 1,6 tỉ USD, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do xung đột địa chính trị và lạm phát toàn cầu vẫn chưa thật sự lắng dịu. Đặc biệt, hai thị trường chính là Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thời gian gần đây, tình hình lạm phát ở Mỹ đã có phần giảm nhiệt nhưng tiêu thụ đồ gỗ ở thị trường này chưa thể cải thiện do nguồn hàng tồn kho nhiều.
Các hiệp hội và doanh nghiệp gỗ đang tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để kiếm đơn hàng xuất khẩu
Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Gỗ Đồng Nai cho hay đến thời điểm này, xuất khẩu đã có tín hiệu tốt hơn, DN bắt đầu có đơn hàng trở lại và hứa hẹn sẽ có nhiều khách mới. Thời gian tới, hiệp hội sẽ xây dựng chương trình xúc tiến để tiếp cận các khách hàng truyền thống nhằm tìm kiếm đơn hàng cho nhà máy.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), cho biết thị trường Mỹ đã bắt đầu mua hàng trở lại. Thị trường Anh cũng tốt dần, thị trường Đức tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ khá tốt. Kỳ vọng tháng 4 tới, DN gỗ sẽ có được nhiều đơn hàng xuất khẩu.
Tăng cường hợp tác và xúc tiến thương mại
Bà Dương Thị Minh Tuệ, Công ty Gỗ Minh Vương, cho biết ngay khi thị trường có tín hiệu khởi sắc hơn, một số DN chế biến gỗ đã bắt đầu chuyển hướng tìm kiếm nguyên liệu gỗ cho các dòng sản phẩm đặc thù thuộc phân khúc cao cấp để cung cấp cho khách hàng khó tính ở châu Âu và một số thị trường nhà giàu khác, điển hình là khách hàng Trung Đông đang rất ưa chuộng các sản phẩm cao cấp của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, cho rằng đồ gỗ cao cấp là phân khúc rất tiềm năng, DN gỗ Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhưng lâu nay ít chú trọng. Theo ông Khanh, đồ gỗ nội thất cho các công trình khách sạn 4-5 sao đang rất cần nhà cung cấp. Những khách hàng này thường đòi hỏi sản phẩm có chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh, nếu đáp ứng được, các DN gỗ sẽ có được hợp đồng giá trị rất lớn. Hiện đã có một số DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp lớn cho các thương hiệu khách sạn lớn trên thế giới. "Sản xuất sản phẩm gỗ cho công trình, cung cấp các mặt hàng cao cấp sẽ giúp Việt Nam phát triển ngành gỗ bền vững, đáp ứng được nhu cầu của những thị trường khó tính, đặc biệt là khách hàng châu Âu đòi hỏi rất cao về chất lượng cũng như tính thẩm mỹ, thay vì chỉ tập trung vào nhóm sản phẩm giá rẻ hoặc gia công như thời gian qua. Nhu cầu của thị trường hiện nay có tính cá thể cao, khách muốn mua hàng đáp ứng tính thẩm mỹ cao và nhanh nên họ chấp nhận trả giá cao hơn. Do đó, các DN có thể linh động sản xuất những mặt hàng với số lượng nhỏ hơn nhưng có giá trị cao hơn" - ông Khanh cho biết.
Tuy nhiên, để cung cấp sản phẩm đồ gỗ cao cấp sang thị trường châu Âu đòi hỏi các DN gỗ phải mạnh dạn đầu tư thiết bị tiên tiến, quy mô nhà máy đủ lớn để đáp ứng đơn hàng cũng như tạo được uy tín đối với nhà nhập khẩu đồ gỗ.
Ngoài ra, trong bối cảnh khó khăn và yêu cầu phát triển bền vững, các hiệp hội gỗ ở vùng Đông Nam Bộ bao gồm HAWA, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai cùng với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã bắt tay cùng hợp tác. Mục tiêu của sự hợp tác này nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho ngành gỗ Việt Nam.
Theo đó, hoạt động của các hiệp hội sẽ không còn riêng lẻ mà quy về một mối, dưới mái nhà chung mang tên Viforest Fair. Việc hợp tác nhằm mang lại sức mạnh chung, tạo thêm điều kiện để DN trong ngành có môi trường kinh doanh rộng mở. Từ đó tiến tới nâng cao vị thế ngành chế biến gỗ Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu nội thất thế giới.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho rằng kinh doanh ngành gỗ phải đi vững hai chân giữa sản xuất và thương mại nên cần liên kết tập hợp các hiệp hội gỗ tạo thế mạnh mang lại hiệu quả cao, tăng cường tổ chức các hội chợ xúc tiến, làm cầu nối với các tổ chức thế giới, nâng tầm xúc tiến thương mại thế giới của ngành gỗ thông qua việc mở cửa hàng, văn phòng, công ty ở nước ngoài...
Nguyên liệu gỗ vẫn tăng trưởng tốt
Ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất New GBI, cho biết tuy xuất khẩu gỗ có gặp khó khăn nhưng nhiều mặt hàng từ nguyên liệu gỗ trung gian như dăm gỗ, ván ghép, ván dán, ván ghép thanh, gỗ xẻ, gỗ viên nén... hiện vẫn xuất khẩu tốt và có tăng trưởng cao. Điển hình như xuất khẩu gỗ viên nén tăng trưởng 50%-60% và dăm gỗ tăng trưởng khoảng 35%, là bệ đỡ cho xuất khẩu của ngành gỗ.
Cũng theo ông Lành, thị trường Đông Bắc Á tiêu thụ tốt nhất trong năm vừa rồi, cụ thể là Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc. Nhóm chế biến sâu có thị trường truyền thống là các nước Nam Mỹ, Úc, New Zealand cũng tiêu thụ khá tốt. Ngoài ra, còn có thị trường mới nổi thu hút đồ gỗ của Việt Nam là Trung Đông với nhu cầu sản phẩm đồ gỗ cao cấp, nếu biết tận dụng sẽ tạo đột phá lớn cho xuất khẩu.
Bình luận (0)