Tại hội nghị “Thu hút đầu tư, kinh doanh lĩnh vực logistics tại ĐBSCL” do Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics tổ chức ngày 9-1 ở TP Cần Thơ, nhiều đại biểu kiến nghị ĐBSCL cần có trung tâm logistics vùng nhằm giảm thất thoát hàng hóa trong vận chuyển, giúp DN giảm chi phí.
Nhỏ và manh mún
ĐBSCL có nhiều lợi thế để phát triển logistics, như giao thông với 2.030 km quốc lộ, 7.718,8 km tỉnh lộ, 14.826 km đường thủy; 4 cảng hàng không; 6 cửa khẩu quốc tế và nhiều cửa khẩu quốc gia giao thương với Campuchia. Hệ thống cảng trong vùng cơ bản đã hình thành với 7 cảng biển, 34 bến cảng, 57 cảng thủy nội địa và gần 4.000 bến thủy.
Tuy vậy, theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quy mô của các trung tâm logistics ở ĐBSCL còn nhỏ (dưới 10 ha) và chủ yếu phục vụ cho một số DN trong KCN hoặc địa phương, chưa phát triển đến quy mô cung cấp cho ngành hoặc một vùng kinh tế có tiềm năng phát triển. “Dịch vụ của các trung tâm logistics còn hạn chế; tính liên kết trong hoạt động yếu, nhiều thủ tục liên quan chưa hợp lý; cơ sở hạ tầng phục vụ logistics nhỏ lẻ, manh mún... Nguyên nhân chủ yếu là do phần lớn các trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ, lượng khách hàng có thể phục vụ được còn ít. Đến nay, trong vùng chưa có trung tâm logistics hàng không, cảng biển chính thức theo quy hoạch của Quyết định 1012/TTg và được công bố quốc tế” - Phó Thủ tướng nhận xét.
Điều đáng lưu ý là trong vùng có 2 sân bay quốc tế đặt tại TP Cần Thơ và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nhưng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường hàng không hầu như không có, hạ tầng logistics cho hàng bảo quản nhiệt độ thấp còn nhỏ và manh mún. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN Logistics Việt Nam, đánh giá: “ĐBSCL có nhiều cảng nhưng quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ kết nối giữa kho với cảng, vận chuyển. Ngoại trừ cảng Tân Cảng - Cái Cui có thiết bị tương đối phù hợp, các cảng khác phương tiện xếp dỡ lạc hậu, quy mô nhỏ, chưa có hãng tàu có tuyến trực tiếp vào khu vực. Cần có sự kết nối giữa các cảng trong vùng để tạo động lực cho phát triển chung”.
Có tiềm năng đầu tư
Tuy còn nhiều hạn chế nhưng ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ), cho rằng ĐBSCL còn nhiều tiềm năng phát triển logistics. Tuyến biên giới đất liền có nhiều cửa khẩu quốc tế và quốc gia, tạo nhiều lợi thế trong giao thương hàng hóa, phát triển giao thông thủy bộ và là cửa ngõ tiếp cận với thị trường các nước ASEAN. “Để kêu gọi tư nhân đầu tư vào lĩnh vực logistics trong vùng, chúng ta cần phải có chính sách và quỹ đất tốt” - ông Hiệp gợi ý.
Dự báo, lượng hàng qua cảng ở ĐBSCL từ nay đến năm 2020 đạt khoảng 25-28 triệu tấn/năm, trong đó hàng tổng hợp và container 11,5-14 triệu tấn/năm; đến năm 2030 từ 66,5-71,5 triệu tấn/năm, trong đó hàng tổng hợp và container 21,7-26,2 triệu tấn/năm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định vùng ĐBSCL có nhu cầu rất cao trong phát triển logistics, cả về đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như phát triển DN cung ứng dịch vụ nhằm phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển lưu thông, phân phối hàng hóa trong vùng và liên vùng, đáp ứng cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Là vùng xuất khẩu nông sản chủ lực của quốc gia nhưng trong 6 trung tâm logistics được thành lập trên cả nước, không có trung tâm nào đặt tại ĐBSCL. Vì vậy, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đối với ĐBSCL, cần sớm xây dựng và ban hành chiến lược phát triển logistics của vùng trên cơ sở liên kết hài hòa với các địa phương, tiểu vùng và hành lang giao thông vận tải huyết mạch. Đồng thời, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối giữa ĐBSCL với thị trường xuất nhập khẩu qua hệ thống luồng hàng hải, cảng biển; kết nối với miền Đông Nam Bộ, nơi có nhiều cảng cửa ngõ quốc tế, thị trường tiêu thụ lớn...
Phải chờ đến năm 2020
Theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đối với ĐBSCL, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 sẽ phát triển 2 trung tâm với quy mô hạng II. Trong đó, một trung tâm tại tiểu vùng kinh tế các tỉnh Tây Nam TP HCM, có quy mô tối thiểu 20 ha (năm 2020) và 50 ha (năm 2030); một trung tâm thuộc tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL, có quy mô tối thiểu 30 ha (năm 2020) và 70 ha (năm 2030).
Bình luận (0)