Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ, về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 6 tháng đầu năm 2016, ĐBSCL thu hút 79 dự án mới với tổng vốn đăng ký là 987 triệu USD, 51 dự án tăng vốn với 412 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký mới và tăng vốn là 1,399 tỉ USD.
Nông nghiệp còn đứng ngoài lề
“Với số vốn đăng ký mới và tăng vốn, lần đầu tiên trong 20 năm qua, FDI của ĐBSCL thu hút nhiều dự án có quy mô lớn và tăng đáng kể. Xu hướng đầu tư FDI vào ĐBSCL đến từ các quốc gia châu Á, tập trung ở các ngành: chế biến nông sản, dệt may, điện gió” - ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định.
Đáng chú ý là các dự án có quy mô lớn chủ yếu tập trung ở lĩnh vực da giày và may mặc như: dự án giày thể thao của Hàn Quốc tại Cần Thơ (171 triệu USD), dự án Kintpassion của Đài Loan tại Long An (68,4 triệu USD), dự án giày của Hàn Quốc tại Long An (25 triệu USD)... Trong khi đó, chỉ có 1 dự án của Nhật đầu tư vào nông nghiệp với số vốn 68.000 USD. Tại TP Cần Thơ, nhiều năm qua chỉ kêu gọi được 3 dự án nông nghiệp công nghệ cao tập trung xây dựng tại huyện Cờ Đỏ và huyện Thới Lai với tổng vốn đầu tư 44,1 triệu USD.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nhìn nhận: “Gần 2 năm qua, TP kêu gọi đầu tư vào các dự án nông nghiệp nhưng có doanh nghiệp (DN) đến tìm hiểu rồi ra về. Vừa qua, có đoàn của Iran đến đặt vấn đề nhưng chưa nghe họ hồi âm. Chúng tôi có sang Israel tham quan mô hình tại đây và có ngỏ ý kêu gọi đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa nghe họ nói gì”.
Ông Hè cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài ngại rót vốn vào nông nghiệp trong vùng là do đặc thù ngành chịu ảnh hưởng lớn của thời tiết, giá cả bấp bênh, rủi ro cao.
Bài học đắt giá
Kể câu chuyện vốn FDI vào nông nghiệp ở ĐBSCL, GS-TS Võ Tòng Xuân cho biết cách nay hơn 20 năm, có một DN Mỹ vào Việt Nam hợp tác với Tổng Công ty Lương thực Việt Nam (Vinafood) để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu với công nghệ tối tân tại KCN Trà Nóc của TP Cần Thơ hiện nay. DN còn liên kết với nông dân ở các huyện Ô Môn và Thốt Nốt với tổng diện tích lên đến 4.000 ha.
Các nhà khoa học trong nước cũng hỗ trợ bằng cách chọn và hướng dẫn nông dân trồng loại lúa hạt dài, tuy không thơm nhưng lại thích hợp với thị trường Mỹ. Đến mùa thu hoạch, DN đến tận nơi thu mua lúa tươi cho nông dân với giá rất cao (gấp đôi DN trong nước). Nhờ có nguồn nguyên liệu đồng nhất về chất lượng nên giá gạo xuất khẩu của DN luôn đứng ở mức cao, từ 380-480 USD/tấn.
“Trong khi nông dân đang hồ hởi vì không còn phải lo đầu ra và bán lúa được giá cao thì lãnh đạo địa phương lại tìm cách đẩy nhà đầu tư ra khỏi cuộc chơi vì thấy DN trong nước mất hết khả năng cạnh tranh. DN phải “cuốn gói” ra đi vì bị đánh thuế từng chút hoặc gây khó khăn trong một số công việc cụ thể. Ngay sau đó, báo chí nước ngoài đã nêu vấn đề này lên nên làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Việt Nam cho đến tận bây giờ” - GS-TS Võ Tòng Xuân nuối tiếc.
Từ bài học này, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng để các DN lớn của nước ngoài mạnh dạn đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp thì không còn cách nào khác là phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ DN. Bởi lẽ, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn tâm lý ngán ngại vì một mặt chính quyền địa phương kêu gọi đầu tư nhưng lại chưa có biện pháp gì để xử lý những vấn đề phát sinh giữa DN và nông dân.
Còn theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, ngành nông nghiệp không phải thiếu “đại gia” rót vốn vào, kể cả DN FDI nhưng cần áp dụng phương thức triển khai phù hợp. Muốn thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL, có thể nhìn vào mô hình thành công của Đà Lạt, từ đó khảo sát lợi thế của từng địa phương để đưa ra chính sách phù hợp. Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không chỉ cần sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng, giá trị gia tăng cao mà quan trọng là phải gắn với lợi thế từng địa phương.
“Quan trọng hơn, dù là DN trong nước hay FDI đầu tư vào nông nghiệp ở Việt Nam thì đều cần phải giải quyết bài toán liên quan đến lợi ích của nông dân. Nếu không có cách tổ chức sản xuất bài bản, hợp đồng ràng buộc chặt chẽ khi giá cao, họ sẵn sàng phá hợp đồng và DN rất dễ thất bại” - GS Nguyễn Mại nhận xét.
Đồng thời, với nông nghiệp công nghệ cao, nếu không giải quyết bài toán đất đai thì rất khó. Áp dụng công nghệ tiên tiến, quy trình chặt chẽ trong một diện tích đất quá nhỏ sẽ không thể có giá thành cạnh tranh. Những mô hình cánh đồng mẫu lớn gần đây có giải quyết được bài toán này nhưng phải kết hợp với việc tổ chức lại sản xuất cho nông dân. ĐBSCL dù có nhiều lợi thế về nông nghiệp nhưng đến giờ vẫn chưa có nhiều mô hình thành công hoặc chưa được nhân rộng.
Không ngồi chờ nhà đầu tư đến
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, yêu cầu hiện nay là phải xây dựng một chiến lược để thu hút đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở này, định hướng lĩnh vực nào cho nông nghiệp, nông thôn, kèm theo đó là hệ thống cơ chế, chính sách giải pháp cụ thể. Chúng ta phải chủ động đi xúc tiến, chứ không phải ngồi chờ các nhà đầu tư đến tìm hiểu. Việc thu hút vốn ngoại nhiều hơn vào nông nghiệp cần được tiến hành đồng thời với việc thúc đẩy phát triển sáng tạo, đầu tư dài hạn.
“Cần liên kết đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, lao động nông nghiệp có trình độ chuyên môn cao, phù hợp với yêu cầu làm việc tại các DN nước ngoài. Các đối tác trong nước - DN ở ĐBSCL cũng cần nâng cao năng lực để hợp tác dài hạn với DN ngoại” - ông Hiệp nhấn mạnh.
Bình luận (0)