VEPR đánh giá năm 2017, tăng trưởng kinh tế có thể giữ được đà tăng nhưng sẽ trong bối cảnh vô cùng khó khăn do những bất định của kinh tế thế giới và những hạn chế từ nội tại nền kinh tế.
Cần giả định không có TPP
TS Nguyễn Đức Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu của VEPR, cho biết 2016 là năm kỷ lục về giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với gần 16 tỉ USD. Đây là hiện tượng tích cực vì 2 năm qua, có làn sóng đón Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên vốn chảy vào Việt Nam nhiều.
Từ quý IV/2016, dòng vốn này vào chậm lại do dự báo TPP gặp khó khăn, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố dừng hiệp định này. “Dự báo năm 2017, vốn FDI giảm sẽ tác động đến tăng trưởng của Việt Nam nên rất cần lưu ý về cung cầu vốn và cả nguồn ngoại tệ. Nền kinh tế có thể mất động lực tăng trưởng từ khu vực FDI, phải có bù qua bù lại từ các khu vực khác để giữ động lực của nền kinh tế” - ông Thành khuyến cáo.
Theo TS Thành, TPP chững lại có thể là nguyên nhân khiến cải cách của Việt Nam chậm lại, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh tế Việt Nam.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cảnh báo trong cả trăm tỉ USD vốn FDI vào Việt Nam, một phần có thể trở thành gánh nặng nợ của Việt Nam vì do nhà đầu tư đi vay, không phải vốn của họ. Con số này chưa bóc tách được. “Chúng ta không nên mơ về TPP nữa, phải giả định không có TPP để hành xử trong thu hút FDI tốt hơn, thay đổi chiến lược thu hút không chú trọng về quy mô mà quan tâm đến chất lượng như vẫn tuyên bố mà chưa làm được” - ông Ánh nhấn mạnh.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cảnh báo có thể lặp lại tình trạng nghẽn dòng vốn FDI vào Việt Nam như từng xảy ra 10 năm trước. Đó là thời điểm đón đầu cơ hội Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006, vốn FDI đăng ký đạt 21 tỉ USD, trong khi năm 2005 chỉ đạt 12 tỉ USD. Năm 2007 - thời điểm Việt Nam chính thức gia nhập WTO- thì vốn FDI đăng ký vọt lên 64 tỉ USD.
Tuy nhiên sau đó, mức giải ngân rất thấp vì nhiều tập đoàn kinh tế lớn sụp đổ, không thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Trông chờ nội lực
Nhận định toàn cầu hóa đang gặp cú sốc và những trở ngại rất lớn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, bất định như hiện nay thì nội lực của Việt Nam phải mạnh lên và phản ứng chính sách phải nhanh nhạy để có thể nắm bắt các cơ hội.
Chính phủ cần lưu ý đến các vấn đề điều hành lãi suất, giảm chi phí logistics vì chi phí này hiện chiếm đến 20,1% GDP, trong khi bình quân các nước khác chỉ là 12%. Đặc biệt, Chính phủ đã đưa ra những thông điệp hết sức tích cực như nối lại đối thoại với doanh nghiệp (DN), có can thiệp để không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Đây là những nỗ lực rất đáng trân trọng nhưng chuyển biến trong thực tế chưa cao.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng tín hiệu lạc quan của năm 2016 là số lượng DN thành lập mới tăng đột biến cho thấy đã lóe lên hy vọng của DN sau một thời gian khá khó khăn, có đến 83.000 DN phải ngừng hoạt động trong năm 2015. Tuy nhiên, quan trọng là hy vọng này nuôi dưỡng được bao lâu trong bối cảnh bên ngoài có những thách thức rất nặng nề, trong nước môi trường kinh doanh chậm thay đổi.
“Trong bối cảnh như vậy, không biết niềm tin của DN có được củng cố để họ phát triển không. Chi phí sản xuất thì cứ tăng lên, điển hình là phí môi trường trong giá xăng vừa được đề xuất tăng lên 8.000 đồng trong khi mỗi lít xăng đã phải cõng hơn 8.000 đồng thuế phí. Trong khi 2 khu vực cần cải thiện là DN nhà nước và FDI vẫn còn nguyên ưu đãi. Nguồn lực nằm trong DN nhà nước vẫn còn lớn, chưa giải phóng được, DN tư nhân vẫn không có nguồn lực để phát triển và có thì phải trả chi phí quá cao” - bà Lan phân tích.
Để nâng cao nội lực, các chuyên gia cho rằng Việt Nam không cần có thêm sáng kiến mà chỉ cần làm tốt những điều đã đưa ra là sẽ tạo ra nội lực để phát triển.
Tăng trưởng có thể thấp hơn mục tiêu
Theo VEPR, năm 2017 Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6,4% nhưng lạm phát có thể lên đến 5,9%. Kịch bản này khá xa với mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng trưởng GDP 6,7%, lạm phát kiềm chế ở mức 4%.
Bình luận (0)