Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP HCM vừa triệt phá thành công đường dây cho vay nặng lãi qua các ứng dụng do Jiang Miao (SN 1981, quốc tịch Trung Quốc) cầm đầu. Công an TP HCM đã bắt giữ nhiều đối tượng và đang mở rộng điều tra vụ án cho vay lãi nặng qua các ứng dụng (app) như "moreloan", "vaytocdo"...
Chậm trả sẽ lãnh hậu quả
Trước đó, từ kết quả xác minh ban đầu, các trinh sát đã ập vào hai căn nhà ở phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân) bắt nhóm này, thu giữ nhiều tài liệu quan trọng cho thấy từ tháng 4-2019 đến nay, nhóm này đã thu hút hơn 60.000 người ở 60 tỉnh, thành với số tiền cho vay lên đến 100 tỉ đồng.
Khách hàng vay tiền qua ứng dụng "vaytocdo" được duyệt tối đa 1,7 triệu đồng nhưng thực nhận chỉ 1,428 triệu đồng bởi vì phải trừ 272.000 đồng phí dịch vụ. Trong vòng 1 tuần, người vay phải trả gốc và lãi là 2.040.000 đồng, nếu chậm trả sẽ bị phạt 102.000 đồng/ngày.
Các ứng dụng cho vay trực tuyến trái phép đang nở rộ trong bối cảnh nhiều người đang túng thiếu vì dịch Covid-19.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tương tự, người vay qua "moreloan" được vay tối đa 1,5 triệu đồng nhưng thực lãnh chỉ 900.000 đồng, còn 600.000 đồng là tiền phí dịch vụ và lãi trong vòng 1 tuần. Nếu người vay chậm trả sẽ bị phạt từ 2% đến 5% mỗi ngày. Tính ra, người vay phải trả lãi suất tương đương 21%/tuần, 90%/tháng và 1.095%/năm.
Những người không trả nợ đúng hạn sẽ bị nhóm người cho vay này nhắn tin đe dọa và gửi tin nhắn đến những người thân, quen biết để hạ uy tín. Sợ bị ảnh hưởng, người vay phải nhanh chóng mượn tiền để trả nợ cho băng này. Nếu trả đúng hạn, sẽ được vay thêm với cấp độ và hạn mức cao nhất là 2,7 triệu đồng.
Jiang Miao đã thuê Tu Long (SN 1992) và Yuan Deng Hui (SN 1992, cùng quốc tịch Trung Quốc) làm quản lý, điều hành đường dây cho vay qua ứng dụng vay tiền. Ngoài ra, còn khoảng 40 người Việt Nam làm nhiệm vụ xét duyệt hồ sơ, thẩm định và đòi nợ.
Vay dễ, rủi ro cao
Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, hiện có rất nhiều website, app quảng cáo cho vay "nóng", vay tiền nhanh từ 1 đến 10 triệu đồng trong thời gian ngắn, kèm theo nhiều ưu đãi như lãi suất 0%, miễn phí 10 ngày cho lần đăng ký đầu tiên, nhận tiền trong 5 phút… Lãi suất lại rất cao, đến mức "cắt cổ", kèm theo nhiều loại phí tư vấn, phí dịch vụ được tính gộp vào khoản lãi phải trả hằng ngày mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra.
Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cá nhân phân tích: Thông thường, các app cho vay sẽ thể hiện những thông tin mà người có nhu cầu vay tìm thấy dễ dàng như website giới thiệu về doanh nghiệp (địa chỉ, hotline…); có hợp đồng với người vay - có thể là hợp đồng số được gửi qua email của khách hàng trong đó nêu rõ các khoản lãi, phí và cách thức thanh toán… Người vay phải xem xét thật kỹ.
"App có uy tín thường cho phép người vay thanh toán gốc và lãi qua tài khoản ngân hàng (NH), ví điện tử. Trong khi với app "dỏm", người vay sẽ bị "chặt đầu, chặt đuôi" vì trừ lãi, phí trước, như một số app từ Trung Quốc cho vay khoảng 1 triệu đồng nhưng người vay chỉ được giải ngân 500.000-600.000 đồng" - vị chuyên gia này chỉ ra.
Chiều 21-4, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp để cấp tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của cá nhân và doanh nghiệp, nhất là tín dụng tiêu dùng. Tốc độ tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng những năm gần đây khá nhanh, đáp ứng một phần nhu cầu vốn của người dân. Dù vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều người gặp khó khăn, cần vốn đột xuất đã tìm đến các kênh vay vốn "nóng" bên ngoài, vay qua app. Do đó, cơ quan quản lý cần khuyến cáo người vay cẩn trọng, tìm hiểu kỹ về thủ tục, điều kiện vay vốn, mức lãi suất.
NH Nhà nước từng cảnh báo nhiều lần về biến tướng của hoạt động cho vay này khi một số đối tượng có thể núp bóng "tín dụng đen" sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro cho cả người vay và người cho vay. Bộ Công an cũng khuyến cáo khi người dân gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, NH tin cậy để được hỗ trợ; cảnh giác cao với vay tiền qua website, ứng dụng.
"Để hạn chế tín dụng đen, cần phát huy tích cực hoạt động tín dụng tiêu dùng của các tổ chức tín dụng gồm cả NH thương mại và công ty tài chính, đồng thời cũng phải bảo đảm kiểm soát rủi ro, hạn chế tồn tại phát sinh liên quan về lãi suất, phương thức thu hồi nợ, quản lý nợ trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng" - ông Nguyễn Hoàng Minh khuyến nghị.
Đừng dại dột vay qua app
Là một nạn nhân khi vay tiền qua ứng dụng, chị Ngọc Bích (30 tuổi, quê Ninh Thuận) vẫn còn rùng rợn khi kể về hành trình vay tiền và những rắc rối chị phải giải quyết. Chị Bích khuyên không nên một phút thiếu tiền mà dại dột vay qua ứng dụng của những kẻ ẩn danh.
Chị Bích kể chỉ cần vài thao tác như tải một ứng dụng vay tiền, điền các thông tin cá nhân, tài khoản nhận tiền và bản chụp các giấy tờ tùy thân, đồng thời cho quyền truy cập danh bạ, chị đã được cấp hạn mức 1 triệu đồng. Tuy nhiên, chị chỉ thực nhận là 700.000 đồng vì bên cho vay giữ lại tiền lãi, tiền dịch vụ... Khi đến hạn phải thanh toán, chị Bích chưa lo kịp tiền đã bị một tài khoản trên Facebook ghép hình chị bên trên chiếc quan tài. Đồng thời, nhóm cho vay còn nhắn tất cả người bạn của chị "trước khi chết vẫn còn nợ". Sự việc khiến chị mất ăn mất ngủ nhiều ngày vì phải giải quyết hậu quả từ việc chậm trả tiền khi vay qua ứng dụng.
Bình luận (0)