Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và 83/2014 về kinh doanh xăng dầu gửi Chính phủ sau khi tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và các bên liên quan.
Cố định thứ năm hằng tuần
Theo đề xuất mới nhất của Bộ Công Thương, nhà nước vẫn điều hành giá xăng dầu để kiểm soát nguồn cung, giá bán trong nước. Thời gian điều chỉnh giữa 2 đợt thay đổi giá bán lẻ sẽ được rút ngắn xuống còn 7 ngày và cố định vào thứ năm hằng tuần (hiện tại là 10 ngày - vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng).
Trường hợp thứ năm trùng vào ngày cuối cùng của năm âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên đán), lịch điều hành giá thực hiện vào thứ tư liền kề. Nếu thứ năm trùng vào mùng 1, 2 hoặc 3 Tết thì thay đổi giá vào mùng 4 Tết. Nếu trùng ngày nghỉ lễ, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh vào thứ tư liền kề. Nếu trùng các ngày nghỉ lễ còn lại, nhà chức trách sẽ điều hành vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ.
Việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày nhằm bảo đảm bám sát hơn với diễn biến thị trường thế giới
Để kịp thời cập nhật các chi phí trong giá, dự thảo nghị định cũng quy định 3 tháng một lần, doanh nghiệp (DN) phải gửi báo cáo tới Bộ Tài chính các chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu) với nguồn mua trong nước, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng.
Việc này nhằm giúp các cơ quan quản lý thu thập số liệu, phục vụ cập nhật, tính toán giá cơ sở xăng dầu và điều hành giá. Bên cạnh đó, dự thảo nêu rõ trước ngày 31-3 hằng năm, DN đầu mối phải kiểm toán riêng chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu, báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để công bố vào ngày 1-7 hằng năm và áp dụng trong công thức tính giá cơ sở.
Với việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống còn 7 ngày, vào ngày thứ năm hằng tuần, Bộ Công Thương cho rằng sẽ bảo đảm giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh giá có biến động lớn, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng hoặc DN kinh doanh mặt hàng này.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - Bộ Tài chính, đồng tình với đề xuất nêu trên của Bộ Công Thương. Theo ông Long, quy định về thời gian giữa 2 kỳ điều hành xăng dầu đã có những thay đổi rõ rệt, từ 30 ngày xuống 15 ngày, 10 ngày và hiện đề xuất còn 7 ngày, cố định vào thứ năm hằng tuần.
"Khi thời gian giữa 2 kỳ điều hành giá càng rút ngắn càng sát với giá thị trường. Bởi nếu thời gian giữa 2 kỳ điều hành quá xa thì khi giá thị trường thế giới đang lên nhưng nếu tính bình quân giá bán trong nước lại giảm hoặc có thể giá thị trường thế giới đang xuống nhưng giá xăng dầu trong nước lại tăng" - ông Long phân tích.
Tuy vậy, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết một số DN xăng dầu đánh giá quy định thời gian 10 ngày giữa 2 kỳ điều hành đang phù hợp với kế hoạch nhập hàng, bán hàng của họ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 31-10, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng phương án rút ngắn thời gian giữa 2 kỳ điều hành còn 7 ngày thì giá xăng dầu sẽ lên - xuống sát với diễn biến giá thế giới hơn.
Ông đánh giá đây là bước đi cần thiết để thị trường xăng dầu vận hành công khai, minh bạch hơn. "Có những thời điểm người dân nghi ngại có sự can thiệp vào việc điều hành giá xăng dầu vì các mục đích khác nhau nên khi rút ngắn thời gian và bám sát biến động giá thế giới sẽ loại bỏ những nghi ngại đó" - ông Lạng phân tích.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giai đoạn đầu người dân có thể chưa quen với việc tăng - giảm nhanh của giá xăng dầu ở các kỳ điều hành. Bên cạnh đó, các DN sử dụng xăng dầu buộc phải chủ động hơn với kế hoạch sản xuất - kinh doanh để không bị động khi giá xăng dầu biến động liên tục hằng tuần theo giá thế giới.
Quản lý chặt quỹ bình ổn
Cũng tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung các quy định để siết quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG). Cụ thể, định kỳ 6 tháng/lần (trước ngày 15-8 và 15-2 hằng năm), DN đầu mối phải gửi báo cáo kiểm toán độc lập về Quỹ BOG cho Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương cũng đề nghị DN gửi báo cáo tình hình thực hiện Quỹ BOG (số dư quỹ, tổng sản lượng, chủng loại xăng dầu được trích lập, chi sử dụng quỹ, tổng số tiền trích lập và chi quỹ...) cho cơ quan quản lý trước ngày 15 hằng tháng.
Dự thảo nghị định cũng nêu rõ DN đầu mối chọn ngân hàng để mở tài khoản theo dõi, quản lý quỹ và ngân hàng thực hiện phong tỏa tài khoản Quỹ BOG của DN. Tài khoản này chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG của DN theo thông báo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.
PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá các quy định siết quản lý quỹ BOG là cần thiết khi thời gian qua xuất hiện những bất cập liên quan đến quỹ này, trong đó có tình trạng DN đầu mối chiếm dụng hàng trăm tỉ đồng Quỹ BOG.
Theo ông Long, quỹ này được đặt ở DN đầu mối, chỉ được sử dụng vào mục đích trích lập và chi sử dụng quỹ nhưng bảo đảm theo đúng yêu cầu này, cần nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát thường xuyên hơn nữa của Cục Quản lý giá - Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương. Chuyên gia này cho rằng bên cạnh yêu cầu DN gửi báo cáo về quỹ, việc kiểm tra, giám sát sẽ ngăn chặn được các vi phạm như thời gian qua.
Tuy nhiên, theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các quy định hiện hành và cả đề xuất nêu trên chủ yếu đang quản lý quỹ bằng "báo cáo", trong khi vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đang mờ nhạt.
Ông Hòa nhìn nhận những bất cập liên quan đến quỹ này trong thời gian qua cần phải chỉ rõ trách nhiệm trong vai trò quản lý của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương. Do đó, bên cạnh các đề xuất sửa đổi quy định để siết quản lý quỹ như Bộ Công Thương đưa ra, ông chỉ ra bất cập lớn nhất là quỹ này đặt ở DN, dẫn đến khó kiểm soát. Và giải pháp đưa ra là giao Bộ Tài chính quản lý Quỹ BOG. Đây cũng là quan điểm mà ông đã từng đề cập nhiều lần.
Giá xăng dự báo tiếp tục tăng
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore lại tăng nhẹ so với kỳ trước. Với diễn biến thị trường như vậy, đại diện một DN xăng dầu dự báo giá xăng có thể tăng từ 200 đến 500 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 1-11. Trong khi đó, giá dầu có thể giảm quanh mức 300 đồng/lít, tùy từng loại. Mức tăng, giảm giá xăng dầu ở kỳ điều hành này còn tùy thuộc quyết định trích lập, chi Quỹ BOG của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Bình luận (0)