Theo Tổng cục Du lịch, do tác động của dịch Covid-19, trong 5 tháng đầu năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách nội địa cũng giảm mạnh 58,5%, đạt 16 triệu lượt. Điều này khiến tổng thu du lịch giảm 47,4%, với 150.300 tỉ đồng. Đặc biệt, có khoảng 95% doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động; 137 DN lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Số DN xin cấp mới giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cũng giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều DN cho nhân viên nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương. Công suất phòng trung bình của các cơ sở lưu trú chỉ đạt khoảng 20% so với tỉ lệ 52% của năm trước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh dự báo với tình hình hiện nay, lượng khách du lịch nội địa năm 2020 đạt khoảng 60-65 triệu lượt. Còn đối với khách quốc tế, trường hợp có thể đón khách vào đầu quý III/2020 sẽ đạt khoảng 6-8 triệu lượt; nếu đón khách vào đầu quý IV/2020 có thể đạt khoảng 4,5-5 triệu lượt. Vì vậy, đẩy mạnh du lịch nội địa trong thời điểm hiện nay là vô cùng quan trọng. Đây cũng là lựa chọn của nhiều quốc gia có thế mạnh về du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế bị "đóng băng".
Ông Ngô Minh Thiện, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của Công ty CP Công nghệ Du lịch Gotadi, nhất trí trong bối cảnh hiện nay, chỉ có du lịch nội địa mới cứu được các công ty du lịch. Theo ông Thiện, để khuyến khích người dân đi du lịch cần có những chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương như miễn giảm các khoản thu, phí tham quan, kéo dài một số kỳ nghỉ lễ mà trước mắt có thể là kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9.
Nhận định về đề xuất của Tổng cục Du lịch, ông Phạm Minh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Dolphin Tour, cho rằng đây là một ý tưởng tốt, sẽ tạo nên một cú hích cho DN như kỳ nghỉ lễ 30-4, Tết nguyên đán hằng năm. "Nếu nghỉ lễ 2-9 dài sẽ giúp tăng nhóm khách có nhu cầu sử dụng những dịch vụ mà giai đoạn thường hoặc hè không có thời gian thực hiện, trong đó có du lịch. Dĩ nhiên việc kéo dài kỳ nghỉ không phải là yếu tố quyết định khách hàng sẽ đi du lịch hay không nhưng nó tạo thêm cơ hội cho ngành du lịch sau giai đoạn dịch Covid-19 kéo dài và kỳ nghỉ hè bị rút ngắn" - ông Quang nói.
Tổng Giám đốc Dolphin Tour phân tích thêm, nếu kỳ nghỉ kéo dài mà không có các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thu nhập của người dân thì họ cũng sẽ không sử dụng dịch vụ du lịch trong dịp nghỉ lễ hoặc chỉ đi điểm gần và hạn chế. Thực tế đợt nghỉ 30-4 và 1-5 vừa rồi có dấu hiệu "cháy" một số dịch vụ du lịch nhưng phân tích ra là do lượng cung ứng ra thị trường hạn chế (khách sạn chưa mở, hàng không bị giãn cách và chưa mở đủ tần suất chuyến bay…), còn dịch vụ cung ứng 100% như mọi năm, chắc chắn sẽ không thể có tình trạng đó.
Bình luận (0)