Theo Bộ NN-PTNT, nhiều năm qua, xoài là một trong những cây ăn trái chủ lực của vùng ĐBSCL, với tổng diện tích hơn 47.000 ha, sản lượng hơn 567.000 tấn/năm; chiếm khoảng 48% tổng diện tích xoài cả nước. Trong đó, Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài lớn nhất vùng (khoảng 12.171 ha), với sản lượng hàng năm gần 124.000 tấn.
Tại hội thảo, các bộ, ngành và địa phương đề ra mục tiêu đến năm 2030, tổng diện tích xoài cả nước ước đạt 140.000 ha, sản lượng 1,5 triệu tấn. Cùng với đó, có trên 70% cơ sở chế biến, bảo quản xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến…
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết hội thảo lần này đánh giá tình hình thị trường xuất khẩu xoài, nhận định các vướng mắc, rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu tại thị trường quốc tế; phổ biến các yêu cầu, quy định của các thị trường nhập khẩu; nâng cao nhận thức của địa phương, doanh nghiệp, HTX, cơ sở chế biến, đóng gói. Từ đó, khuyến nghị các giải pháp, chính sách, kế hoạch hành động; kết nối giao thương giữa doanh nghiệp với các đơn vị cung cấp xoài.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, đánh giá cao các ý kiến góp ý, chia sẻ tại hội thảo; đồng thời cho biết hội thảo này nằm trong khuôn khổ của Dự án "Nâng cao năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị xoài ở ĐBSCL", do Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) hỗ trợ. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực tuân thủ chất lượng và tiêu chuẩn của chuỗi giá trị xoài ở ĐBSCL, các địa phương gia tăng hơn nữa diện tích trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; chú trọng đến đối tượng liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng xoài đó là HTX, nông dân; phải xác định được thị trường xuất khẩu mục tiêu, từ đó xây dựng tiêu chuẩn dành cho thị trường đó và định hướng sản xuất cho nông dân...
Bình luận (0)