Vài ngày trước kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đã bắt đầu tăng mạnh. Vietnam Airlines cho biết đã triển khai tăng tải lần thứ 2 cho dịp lễ, tăng thêm hơn 50.000 chỗ từ ngày 24-4 đến 4-5. Tổng cung ứng toàn mạng nội địa, quốc tế của hãng dịp này là gần 2.700 chuyến bay và hơn 524.000 chỗ.
Tăng chuyến, bay đêm
Để chuẩn bị phục vụ cao điểm dịp lễ, Vietnam Airlines đã tổ chức bảo dưỡng máy bay từ nhiều ngày trước, bảo đảm có số lượng tối đa máy bay để chuyên chở hành khách. Hiện các chuyến bay từ các địa phương tới những điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Côn Đảo... đã có tỉ trọng lấp đầy dao động 60%-80% vào những ngày nghỉ lễ. "Hãng hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của hành khách và đang tiếp tục mở bán chỗ các chuyến bay đi toàn mạng nội địa, quốc tế" - đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Vietjet cũng sẽ tăng chuyến trên toàn mạng bay nội địa và quốc tế để đáp ứng nhu cầu di chuyển, du lịch, thăm người thân tăng mạnh của người dân và du khách khi kỳ nghỉ kéo dài. Theo đó, gần 2.300 chuyến bay, tương đương khoảng 509.000 chỗ, được Vietjet khai thác để phục vụ khách hàng trên toàn mạng bay trong nước lẫn quốc tế.
Vietjet ước tính tổng số chỗ trên các chuyến bay nội địa của hãng trong tuần từ ngày 27-4 đến 3-5 sẽ tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 xuất hiện). Bên cạnh đó, với các quy định thuận lợi chào đón du khách đến Singapore, Thái Lan, Indonesia..., hãng cũng mở lại và tăng chuyến bay tới những điểm đến này trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Sân bay Phú Quốc đông nghẹt hành khách dù chưa tới kỳ nghỉ 30-4 và 1-5. Ảnh: TẤN THẠNH
Một số hãng hàng không khác còn tăng cường bay đêm để đáp ứng nhu cầu của du khách. Bamboo Airways vừa thông báo lịch bay đêm dịp lễ, từ ngày 29-4 tới 3-5, áp dụng cho các hành trình giữa Hà Nội - Nha Trang/Phú Quốc/Quy Nhơn/Đà Nẵng. Một số chặng bay được khởi hành vào 22 giờ hoặc 23 giờ khi nhu cầu đi lại tăng cao. Bamboo Airways sẽ tiếp tục điều chỉnh lịch khai thác tăng cường phù hợp được cơ quan chức năng cấp phép để đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách.
Để tránh tình trạng ùn ứ ở sân bay dịp cao điểm, các hãng hàng không khuyến nghị hành khách nên làm thủ tục trước chuyến bay qua website, ứng dụng di động... Với hành khách bay quốc tế, cần lưu ý kiểm tra với nơi bán vé về thủ tục nhập cảnh ở quốc gia điểm đến.
Ngày 26-4, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng cho biết đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc, đáp ứng nhu cầu của hành khách trong dịp lễ sắp tới. Cảng cũng đã phối hợp với cơ quan chức năng để bổ sung 2 tuyến xe buýt (152 và 72-1) đón trả khách tại làn B ở khu vực nhà ga quốc nội.
"Chúng tôi sẽ chủ động áp dụng phương án xả trạm thu phí ôtô trong khung giờ cao điểm nếu ùn tắc kéo dài; bổ sung và đưa vào khai thác thêm làn D1, D2 cho xe công nghệ; mở thêm lối ra từ nhà xe TCP đến trạm thu phí, mở rộng lối thoát xe ra trạm thu tiền, thực hiện điều hành mở làn xe linh hoạt..." - đại diện Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thông tin.
Khách đi xe đò giảm mạnh
Không đến mức căng thẳng như hàng không nhưng để đáp ứng yêu cầu đi lại tăng cao của hành khách dịp lễ, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tăng cường chạy nhiều đoàn tàu từ ngày 28-4 đến 4-5. Cụ thể, ngoài các đôi tàu Thống Nhất SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8, dịp lễ sẽ có thêm các đoàn tàu khách trên tuyến TP HCM - Hà Nội và các tàu khu đoạn Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Phan Thiết, Sài Gòn - Đà Nẵng.
Khu vực phía Bắc tổ chức chạy thêm 30 đoàn tàu từ Hà Nội đi Lào Cai, Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và ngược lại. Ở khu vực phía Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chạy thêm 17 đoàn tàu từ TP HCM đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng và ngược lại.
Ngoài ra, trong dịp lễ 30-4 và 1-5, ngành đường sắt duy trì áp dụng chính sách giảm giá vé khứ hồi lượt về từ 5% -10%; giảm giá vé cho Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người cao tuổi, học sinh, sinh viên...
Trong khi đó, lượng hành khách đi lại bằng xe khách được dự báo sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước. Ông Tạ Chương Chín, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh, TP HCM), cho biết dự kiến từ ngày 29-4 đến 3-5, lượng khách qua bến đạt 59.600 lượt, bằng 70% so với dịp lễ 30-4, 1-5 năm 2021. Trong đó, lượng khách đi lại bến cao nhất là ngày 29 và 30-4 với khoảng 20.000 - 25.000 lượt/ngày.
Nguyên nhân được giải thích là do giá xăng dầu tăng, các đơn vị vận tải phải điều chỉnh giá cước để bảo đảm chi phí vận hành, ảnh hưởng đến sản lượng hành khách do giá cả xe khách không mang tính cạnh tranh với hàng không, đường sắt... Cụ thể, tại Bến xe Miền Đông, giá vé dịp lễ sẽ tăng 20% - 40% so với ngày thường.
Trong đó, tuyến xe từ TP HCM đi các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào Bình Thuận, các tuyến thuộc khu vực Tây Nguyên và miền Tây, giá vé tăng không quá 40% so với ngày thường. Các tuyến thuộc khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước tăng không quá 20% so với ngày thường.
Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TP HCM) cũng dự báo khách đi lại dịp lễ 30-4 và 1-5 chỉ đạt khoảng 80% - 85% so với cùng kỳ năm 2021, với khoảng 18.000 - 19.000 lượt/ngày, tăng 2,5 - 3 lần so với ngày thường. Giá vé xuất bến từ Bến xe Miền Tây tăng không quá 40% so với mức giá ngày thường.
Sẽ khó đón taxi, xe công nghệ
Một vấn đề mà người dân TP HCM quan tâm vào những dịp lễ gần đây là rất khó đón taxi, xe công nghệ. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện taxi Vinasun cho biết đến thời điểm này, Vinasun cũng như các hãng xe khác vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển tài xế, vì thời gian qua nhiều người đã về quê hoặc tìm công việc khác. Do đó, khi nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao trong dịp lễ, việc thiếu xe là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, thay vì tăng giá cước như các hãng xe công nghệ, Vinasun và các hãng taxi khác vẫn giữ nguyên mức giá như ngày thường. Khách đi taxi đường dài với số km từ thứ 30 trở lên còn được giảm giá 10%. Khách cũng có thể thuê taxi với giá trọn gói - rẻ hơn khoảng 10% so với giải pháp tính tiền bằng số km. Khách thuê taxi cũng có thể yêu cầu tài xế ở lại để chờ chở mình trở lại TP HCM, với phí lưu trú khoảng 200.000 đồng/đêm.
Bình luận (0)