Trong số đó phải kể đến thành công của Nhóm thứ Sáu, tiền thân là Nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề quận 5 - Cholimex. Hàng loạt công trình nghiên cứu về giá - lương - tiền, đề án cải tổ ngân hàng, nghiên cứu phát triển ngoại thương đến kinh tế vùng khi lập khu chế xuất đầu tiên ở Việt Nam, triển khai khu đô thị Nam Sài Gòn... đã góp phần vào việc hình thành chính sách của nhà nước thời điểm đó và sau này.
Nguyên Thủ tướng VÕ VĂN KIỆT, Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tại buổi kỷ niệm 15 năm Nhóm thứ Sáu (năm 2002). (Ảnh tư liệu)
"Think tank" của một giai đoạn bước ngoặt
Những ngày cuối tháng 4-2019, ông Phan Chánh Dưỡng, một trong những thành viên nòng cốt của Nhóm thứ Sáu vẫn tất bật với công việc tại Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Lawrence S. Ting, nơi ông đã gắn bó từ nhiều năm qua. Khi được hỏi về chuyện của Nhóm thứ Sáu từ hơn 30 năm trước, đôi mắt người đàn ông tuổi đã ngoài thất thập sáng rực lên, hồi tưởng về những tháng ngày vô cùng sôi động...
Cơ duyên đầu tiên cho cuộc hội ngộ của anh em Nhóm thứ Sáu là giai đoạn 1980-1981, TP HCM có chủ trương xây dựng các công ty xuất nhập khẩu trực dụng, với nhiệm vụ làm mọi cách để có nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng thay thế cho ngành sản xuất công nghiệp. Công ty Hợp doanh xuất khẩu trực dụng (Cholimex) ra đời trong bối cảnh này, khi TP kêu gọi các công thương gia bỏ tiền vào thành lập công ty, nhà nước chỉ có chủ trương, cử cán bộ và cho sử dụng những căn nhà tiếp quản... Thực chất, Cholimex là công ty cổ phần đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975.
Ông Phan Chánh Dưỡng, khi đó là trưởng phòng kế hoạch, kể: Quá trình phát triển của Cholimex và các công ty khác lúc bấy giờ quả là bước đột phá vào cơ chế bao cấp: tạo ra những mầm tư duy mới về một nền kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của thể chế xã hội chủ nghĩa. Ông Dưỡng cùng với ông Trần Bá Tước (Phó Phòng Kế hoạch Cholimex) đã tập hợp nhóm chuyên viên trí thức cũ, nhà công thương cũ cùng tham gia hình thành nhóm chuyên viên tư vấn cho công ty.
"Năm 1986, trong dịp đến thăm ông Võ Trần Chí lúc bấy giờ vừa giữ chức Bí thư Thành ủy TP HCM, tôi đã mạnh dạn đề nghị cho phép anh em có kiến thức về kinh tế được đào tạo trong và ngoài nước trước năm 1975 nghiên cứu các đề tài kinh tế, nếu Thành ủy cần. Ông Hai Chí đồng ý ngay và đề nghị Ban Kinh tế Thành ủy có văn bản xác nhận cho Nhóm nghiên cứu kinh tế (nghiệp dư của Ban Kinh tế Thành ủy), gọi là Nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề quận 5 - Cholimex" - ông Dưỡng nhớ lại.
Nhóm ban đầu có 3 thành viên gồm Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn, sau đó là một danh sách gồm 24 thành viên (có thêm các ông: Lâm Võ Hoàng, Phan Tường Vân, Hồ Xích Tú, Nguyễn Thanh Bạch, Đỗ Nguyên Dũng, Trần Trọng Thức, Mai Kim Đỉnh...) được báo cáo lên Thành ủy. Nhóm sinh hoạt vào các tối thứ hai, tư, sáu hằng tuần, sau này thường chọn tối thứ sáu nên gọi là "Nhóm thứ Sáu". Nhiều lãnh đạo TP lúc bấy giờ cũng đến dự, nghe nhóm nghiên cứu trao đổi, nói chuyện. Chính nhờ có không khí cởi mở này mà anh em mạnh dạn đề xuất nhiều ý kiến sáng tạo để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế lúc bấy giờ.
Nhóm có rất nhiều cái "không": Không giấy phép thành lập, không chủ quản, không tổ chức, không nội quy điều lệ, không trụ sở, không ai lãnh đạo ai, không vụ lợi, không ràng buộc, không lương... Nhưng đã tạo nên nhiều cái "có": Có chuyện để bàn bạc, có tấm lòng, có dịp gắn bó với nhau trong suốt nhiều năm của những người day dứt với tình hình đất nước đang chuyển biến từng ngày.
Tác động thay đổi chính sách
Sau khi chính sách giá - lương - tiền được thực hiện, nền kinh tế lâm vào cảnh xáo trộn, giá cả tăng chóng mặt, trong khi đó tiền mặt khan hiếm, chính quyền các cấp yêu cầu kéo giá xuống. Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, Thành ủy đề nghị nhóm nghiên cứu chuyên đề tìm biện pháp kéo giá xuống.
Công trình nghiên cứu đầu tiên của nhóm là "Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế" được biên soạn trong giai đoạn 1986-1987. Đây là một kiến nghị với Thành ủy TP HCM và trung ương, nội dung không đồng tình với việc dùng biện pháp hành chính kéo giá xuống, bởi giá đã xuống đến mức làm xáo trộn nền kinh tế.
"Bài toán giá - lương - tiền được mổ xẻ mà đáp số của nó theo quan điểm của nhóm có cự ly rất xa với nhận định của các nhà làm chính sách ở trung ương lúc ấy. Đến cuối năm 1986, anh Năm Nghị (Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM) viết thư giới thiệu công trình này với ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) khi đó đang làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và đề nghị ông trực tiếp nghe anh em trình bày" - ông Dưỡng hồi ức.
Nhóm các ông Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước đã ra Hà Nội báo cáo đề tài này trước khoảng 30 chuyên viên cao cấp của Chính phủ, do ông Sáu Dân chủ trì và gây tiếng vang. Thậm chí, một vài người sau khi nghe nhóm trình bày đã nói riêng với ông Dưỡng "các anh nói đúng những điều chúng tôi nghĩ mà không dám nói ra". Sau đó, nhà nước bỏ "ngăn sông cấm chợ", thậm chí cho nhập vàng về...
Tiếp đó là những công trình nghiên cứu khác về cải tổ ngân hàng do ông Huỳnh Bửu Sơn và Lâm Võ Hoàng có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng chủ trì, đề xuất một loạt cơ chế hoạt động cho ngân hàng theo hướng kinh tế thị trường. Suy nghĩ và đề xuất của nhóm đã có sự lan tỏa nên vào năm 1988, khi Chính phủ chuẩn bị dự thảo Pháp lệnh ngân hàng, hai ông Lâm Võ Hoàng và Huỳnh Bửu Sơn đã được mời tham gia soạn thảo.
Ông PHAN CHÁNH DƯỠNG
Gieo hạt khái niệm kinh tế thị trường
Một đề tài khác của nhóm là nghiên cứu phát triển ngoại thương. Theo những thành viên "Nhóm thứ Sáu", đây là đề tài khá gay gắt bởi thời điểm ấy, TP HCM chủ trương cho các công ty xuất khẩu tự cân đối tài chính. Đề tài làm rõ chủ trương này là sai lầm vì đó chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá cả tăng lên. Do được quyền tự cân đối nên các công ty xuất nhập khẩu mua nông sản với bất cứ giá nào, bất chấp giá thị trường để xuất khẩu, rồi dùng ngoại tệ bán được để nhập khẩu bán lại cho trong nước với giá cao nhằm kiếm lời, trong khi nhà nước không can thiệp vào. Giá nông sản tăng kéo theo giá hàng công nghệ, thực phẩm lên theo, góp phần gia tăng áp lực lạm phát...
Tiếp đó, những đề xuất lập Khu Chế xuất Tân Thuận (khu chế xuất đầu tiên ở Việt Nam); các dự án triển khai bên khu vực Nhà Bè - Bình Chánh tạo nên hệ thống dự án đầu tư ở phía Nam TP, khu đô thị Nam Sài Gòn (sau này là Phú Mỹ Hưng) đã làm thay đổi bộ mặt nghèo khổ của vùng đất ngập mặn... cũng có bàn tay và khối óc đóng góp lớn của "Nhóm thứ Sáu".
Từ thành viên nòng cốt của "Nhóm thứ Sáu", sau này là thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng trong suốt nhiệm kỳ ông Võ Văn Kiệt đứng đầu Chính phủ, ông Phan Chánh Dưỡng bộc bạch: "Điều tôi cảm thấy tự hào nhất là luôn được dịp bày tỏ tấm lòng, ý chí đóng góp sức mình cho đất nước bằng những lời thẳng thắn nhất với Thủ tướng. Và cũng được Thủ tướng cho phép thực hiện các đề án phát triển kinh tế quốc gia lớn như những chương trình phát triển TP HCM ra biển Đông".
Nhà báo Trần Trọng Thức, thành viên đến bây giờ vẫn sinh hoạt và gắn bó với nhóm, chia sẻ rằng một trong những việc làm được của nhóm là gieo hạt, định hướng, truyền đạt khái niệm kinh tế thị trường với giới trí thức và dư luận qua những bài viết. Trong khoảng năm 1992, thành viên "Nhóm thứ Sáu" là những cây bút chủ lực viết về kinh tế thị trường trên các báo.
Những người còn gắn bó với "Nhóm thứ Sáu" đến giờ vẫn gặp nhau vài lần mỗi tháng như một nhu cầu tinh thần của người trí thức.
Bình luận (0)