Ngày 12-5 vừa qua, UBND huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn thông tin, cảnh báo đến người dân về việc Công ty CP Địa ốc Alibaba (gọi tắt địa ốc Alibaba - có trụ sở TP HCM) rao bán chui đất nền tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc mà doanh nghiệp (DN) này gọi là siêu dự án Ali Mega Xuân Lộc.
Bất chấp mọi cảnh báo
Theo UBND huyện Xuân Lộc, đến nay tỉnh Đồng Nai chưa ban hành quyết định nào liên quan đến việc thỏa thuận địa điểm, chấp thuận đầu tư cho địa ốc Alibaba thuê đất để thực hiện dự án Ali Mega Xuân Lộc hay dự án nào khác ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Xuân Lộc.
Bất chấp cảnh báo này của UBND huyện Xuân Lộc, địa ốc Alibaba vẫn tung những quảng cáo về đất nền dự án Ali Mega Xuân Lộc lên các trang mua bán bất động sản và mạng xã hội. Ngày 19-5, công ty này còn rầm rộ tổ chức mở bán đất nền của dự án nói trên ở một trung tâm hội nghị tại TP HCM.
Kết quả buổi mở bán được công ty này công bố trên website www.tapdoandiaocalibaba.com như sau: "Hơn 2.151 sản phẩm thuộc dự án Ali Mega Xuân Lộc của tTập đoàn Địa ốc Alibaba gần như "sạch hàng" chỉ trong 30 phút mở bán chính thức vào ngày 19/05. Với thành quả 1.961 sản phẩm đất nền được chốt thành công chính là "chiến tích" ngoạn mục của tập đoàn giữa tâm bão truyền thông đang dậy sóng thời gian qua".
Hình ảnh khu đất, bản vẽ và mẩu quảng cáo mà nhân viên của địa ốc Alibaba giới thiệu là siêu dự án Ali Mega Xuân Lộc Ảnh: Sơn Nhung
Tuy nhiên, đến sáng 20-5, phóng viên vẫn nhận được lời chào qua Facebook của một người tên Hường, tự xưng là nhân viên của địa ốc Alibaba đang làm ở địa chỉ đường Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, TP HCM), giới thiệu đầu tư đất nền dự án Ali Mega Xuân Lộc. Người này cho biết công ty đang có chính sách tốt cho khách hàng mua dự án Xuân Lộc Mega City, giá bán chỉ 147 triệu đồng 100 m2; còn 500 m2 chỉ có 400 triệu đồng. Thanh toán 95% sẽ được chiết khấu 9,5%, tặng kèm 5 chỉ vàng… hoặc khách thanh toán theo tiến độ. Nếu khách bán lại cho công ty sẽ lãi 30% sau 12 tháng, 28% sau 15 tháng… Tuy nhiên, hình ảnh dự án mà nhân viên này gửi cho chúng tôi chỉ là bãi đất trống với chiếc xe ủi đất chứ chưa có bất cứ hạ tầng, tiện ích gì.
Đây không phải là dự án duy nhất mà địa ốc Alibaba ngang nhiên rao bán dù bị cơ quan chức năng cảnh báo. Trước đó, hồi giữa tháng 3-2019, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin liên quan đến việc Công ty CP Địa ốc Alibaba quảng cáo, phân lô, bán nền tại huyện Long Thành. Khi đó, lãnh đạo tỉnh này cho biết Bộ Công an đang điều tra hoạt động của địa ốc Alibaba. Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN- MT) tỉnh Đồng Nai, nhiều lần khẳng định tỉnh chưa ban hành bất cứ văn bản nào liên quan đến việc thỏa thuận giao địa điểm, chủ trương đầu tư cho địa ốc Alibaba nhưng qua rà soát, tỉnh phát hiện công ty này tự đặt tên cho 27 dự án đất nền, rồi quảng cáo rao bán rầm rộ trên mạng xã hội, website và tờ rơi.
Qua khảo sát thực tế, Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai xác định vị trí 19 khu đất ở các xã trong huyện đều do hộ gia đình, cá nhân đứng tên sử dụng, được cấp chủ quyền là đất nông nghiệp. Trong đó, 14 khu đất có mối quan hệ là người thân hoặc trực tiếp giám đốc Công ty CP Địa ốc Alibaba đứng tên cá nhân.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết khi chính quyền chưa cho phép thực hiện dự án mà địa ốc Alibaba tự ý san lấp mặt bằng, làm đường nội bộ, phân lô bán nền... khiến việc quản lý đất đai trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa việc quảng cáo sai sự thật làm người dân không nắm được thông tin chính xác khi tham gia giao dịch dẫn đến bị thiệt hại về kinh tế.
Không chỉ công khai bán đất nền không phép ở Đồng Nai, địa ốc Alibaba còn lấn sang tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi công bố một loạt dự án như Alibaba Tóc Tiên Residence 3; Alibaba Tóc Tiên Residence 2; các dự án Alibaba Tân Thành Center 1, 2, 3, 4, 6, 7; Alibaba Tân Thành Homy City; Alibaba Phú Mỹ Central City; Aliababa Phú Mỹ Central City 3… Những dự án này đều được rao bán công khai với diện tích từ 5 ha trở lên với hàng trăm nền và được quảng cáo là siêu phẩm của công ty Alibaba, kết nối nhiều vị trí quan trọng, là tâm điểm cần đầu tư.... Tuy nhiên, theo người dân địa phương thì tất cả những vị trí này đều là đất nông nghiệp, không có giá trị cao nhưng vì liên tục quảng cáo rầm rộ nên đã tạo cơn sốt ảo. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần khẳng định không hề có dự án nào của địa ốc Alibaba được cấp phép, thậm chí cắm bảng cảnh báo nhưng công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Bộ, ngành phải vào cuộc
Cái tên địa ốc Alibaba nổi đình đám từ cuối năm 2017 sau khi Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) ra văn bản "Cảnh báo khẩn cấp" đến người dân tránh bị thiệt hại vì dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khu vực VIII-3, thuộc khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP HCM mà địa ốc Alibaba và công ty con là Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khẳng định thời điểm đó dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được giải phóng mặt bằng, chưa làm cơ sở hạ tầng, chưa có văn bản của Sở Xây dựng TP xác nhận đủ điều kiện để được huy động vốn khi bán nền nhà hình thành trong tương lai theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch khu đô thị. Vì vậy địa ốc Alibaba không có quyền công bố dự án, cũng như huy động vốn kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ.
Sau đó, các cơ quan chức năng của TP HCM vào cuộc xử phạt hành chính với công ty này. Đồng thời, Bộ Công an cũng điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm quy định về sử dụng đất đối với địa ốc Alibaba khi công ty này quảng cáo trên mạng nội bộ 19 dự án khu dân cư trên địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai), như: Dự án Alibaba Long Phước 1, Alibaba Long Phước 14, Alibaba An Phước, Alibaba Phước Bình, Alibaba Phước Thái... và ký kết hợp đồng với 11 cá nhân nhận chuyển nhượng 127 thửa đất với diện tích hơn 20 ha.
Tuy nhiên, kết quả điều tra sau đó như thế nào không được công bố và địa ốc Alibaba tiếp tục đẩy mạnh hoạt động lập dự án, phân lô, bán nền... ở các tỉnh lân cận TP HCM là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều người đầu tư đất của địa ốc Alibaba đã lên tiếng tố cáo công ty tung nhiều chiêu thức dùng tiền người sau trả lãi cho người trước, đất không có sổ riêng, không được xây nhà... nhưng tất cả đều được "giải quyết êm đẹp".
Luật sư Trần Đình Dũng - Trung tâm Tư vấn pháp luật TP HCM - Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, tỏ ra thắc mắc về câu chuyện của địa ốc Alibaba đã kéo dài nhiều năm, làm cho nhiều người dân, khách hàng và các doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc bức xúc nhưng tất cả vẫn như cũ.
Theo luật sư Dũng, rõ ràng hành vi của địa ốc Alibaba là vi phạm luật theo các quy định về sử dụng đất. Công ty này không phải là chủ thể sử dụng đất mà sử dụng với tư cách kinh doanh bất động sản. Vì vậy phải tuân thủ toàn bộ quy định của Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó, phải bảo đảm về các quy định trong việc cấp phép, xây dựng các cơ sở hạ tầng, phải có biên bản nghiệm thu từ Sở Xây dựng mới được phép giao dịch. Nếu không sẽ gây nhiều hệ lụy cho khách hành trong việc huy động vốn. "Chính quyền khẳng định tại địa phương không có dự án nào của địa ốc Alibaba nhưng không ai kết luận công ty này sai cả. Vì vậy, các bộ, ngành cùng phải vào cuộc, phối hợp mổ xẻ để thấy được cái lỗi rõ ràng của địa ốc Alibaba để từ đó có biện pháp xử lý" - luật sư Dũng đề nghị.
Đã báo cáo cấp trên
Ông Lê Hà Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho biết đối với dự án "tự phong" của địa ốc Alibaba tại xã Châu Pha, UBND thị xã đã nhiều lần ra thông báo yêu cầu đình chỉ công trình nhưng công ty này vẫn cố tình không thực hiện. UBND thị xã đã xin ý kiến Thường trực Thị ủy và hiện vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo để tiến hành cưỡng chế công trình xây dựng trái phép này.
Bình luận (0)