Từ sau Tết nguyên đán đến nay, thị trường gạo cả xuất khẩu và nội địa hết sức sôi động, giá bán lúa gạo tăng đều ở tất cả các phân khúc ngay lúc nông dân vựa lúa ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch chính.
Xuất khẩu tăng vọt
Ngày 17-3, trong báo cáo gửi Thủ tướng về kế hoạch sản xuất gạo năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) dẫn dự báo của Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) cho thấy sản lượng lúa thế giới năm 2020 có thể giảm khoảng 2,7 triệu tấn do dịch Covid-19 tác động đến sản xuất, xuất khẩu của một số quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ. Mặt khác, nhu cầu lương thực trong nước cũng như thế giới có thể tăng 3,7 triệu tấn vì nhiều nơi mua để tích trữ. Do đó, Bộ NN-PTNT sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường để có thể điều chỉnh tăng diện tích lúa thu đông lên khoảng 800.000 ha (tăng 50.000 ha so với năm ngoái).
Sản xuất và xuất khẩu gạo ở ĐBSCL đang có nhiều tín hiệu tích cực Ảnh: Ngọc Trinh
Trước đó, ngành nông nghiệp cho biết vụ đông xuân năm nay nông dân được mùa và dự báo năm 2020 Việt Nam sản xuất được 28 triệu tấn gạo, trong đó, 75% phục vụ tiêu dùng nội địa, 25% xuất khẩu (khoảng 6,5-7 triệu tấn).
Còn thống kê thực tế cho thấy trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt 895.000 tấn với giá trị 410 triệu USD, tăng 27% về khối lượng và tăng 32,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - cho biết năm nay, các thị trường xuất khẩu đều tốt do Thái Lan, Trung Quốc… giảm sản lượng vì mất mùa, dịch bệnh. Trong khi đó, Việt Nam do chống hạn mặn tốt nên được mùa, giá cao và nông dân có lợi.
Theo ông Phan Xuân Quế, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, hiếm có khi nào đang vào vụ thu hoạch mà gạo tăng giá đều ở tất cả các phân khúc do đầu ra thuận lợi. Do đó, năm nay ngành gạo có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu hơn 3 tỉ USD. "Chúng tôi đang tập trung theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để thực hiện 2 mục tiêu vừa thu mua xuất khẩu vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước" - ông Quế nói.
Ưu tiên bán nội địa
Dù triển vọng xuất khẩu gạo khá tốt nhưng đại diện Công ty ADC Rice (thành viên ADC Group) cho biết doanh nghiệp đang ưu tiên thị trường nội địa, để bảo đảm số lượng và bình ổn giá trên thị trường thay vì tập trung xuất khẩu. Đặc biệt, công ty ưu tiên bán cho người tiêu dùng tại TP HCM để ai cũng mua được gạo. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo khách hàng là hộ gia đình không nên trữ gạo quá nhiều, chỉ lượng vừa đủ trong tối đa 1 tháng (gấp đôi thời gian cách ly y tế) để bảo đảm chất lượng gạo khi dùng. Theo định hướng phòng chống dịch của UBND TP HCM, chúng tôi khuyến khích khách hàng mua sắm online hoặc đặt hàng qua điện thoại, hạn chế tiếp xúc trực tiếp…" - đại diện ADC Rice cho biết.
Theo bà Ngô Ngọc Yến, Giám đốc Công ty Gạo Yến Ngọc (chuyên cung cấp gạo sỉ lẻ cho thị trường TP HCM), khoảng 10 ngày gần đây mặt hàng gạo rất hút, có ngày lượng bán ra gấp 5-6 lần bình thường. Hầu hết các loại gạo đều tăng giá khoảng 1.000 đồng/kg, những loại gạo tiêu thụ mạnh có mức giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg như Đài thơm 8, OM 4900… "Khi có thông tin dịch bệnh, người dân có tâm lý trữ gạo nên mua nhiều hơn. Tuy nhiên, Việt Nam không lo thiếu gạo nên nay bà con mua nhiều thì thời gian tới sẽ giảm lại. Do tiêu thụ chững lại nên giá gạo cũng hạ nhiệt, giảm 500 - 600 đồng/kg so với lúc cao điểm" - bà Yến cho hay.
Trước sự sôi động của thị trường nội địa, "đại gia" xuất khẩu gạo là Công ty CP Xuất nhập khẩu Intimex cũng gia nhập thị trường với gạo ST24 nổi tiếng. Ông Đỗ Hà Nam cho biết công ty lần đầu đóng túi gạo 5 kg mang thương hiệu Intimex với giá bán lẻ 130.000 đồng/túi (26.000 đồng/kg) tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của công ty. "Cửa hàng rất nhỏ nhưng sản lượng tiêu thụ rất tốt, có ngày bán được 5 tấn nên sắp tới công ty sẽ đẩy mạnh đưa gạo ra thị trường. Thực tế bán lẻ gạo nội địa rất hiệu quả vì mặt bằng giá cao hơn xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thế về sản lượng nên có mức giá cạnh tranh hơn các đơn vị nhỏ lẻ" - ông Nam nhận xét.
Bình luận (0)