Ít ai biết rằng, để góp phần làm rạng danh hạt gạo Việt, Anh hùng Lao động - kỹ sư Hồ Quang Cua (SN 1953; quê ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) đã cùng 2 cộng sự - TS Trần Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương - phải trải qua chặng đường gần 25 năm nghiên cứu, lai tạo với không ít khó khăn, vất vả.
Là trưởng nhóm nghiên cứu, kỹ sư Hồ Quang Cua không thể nào quên cái duyên tình cờ đưa ông đến với hạt gạo ST25. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp ngành trồng trọt Trường ĐH Cần Thơ, ông trở về công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Qua quá trình phấn đấu, ông được bổ nhiệm làm phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng.
Dù đã giữ vai trò lãnh đạo một sở nhưng ông Cua vẫn luôn nung nấu ý tưởng sẽ lai tạo ra giống lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, trước tiên là cho quê hương Sóc Trăng. Vào một sáng sớm mùa đông năm 1996, trong lúc ra đồng thăm giống VD20 đang trổ bông, ông phát hiện nhiều cây lúa lạ, có gốc màu tím, hạt thon dài tựa ngón tay thiếu nữ.
Lúc này, ông Cua hay tin Thái Lan vừa công bố lai tạo được 2 giống lúa thơm thuần nông ngắn ngày không cảm quang mà họ gọi là "hạt vàng". Thông tin này càng thôi thúc ông phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc sưu tầm, lai tạo cho được giống lúa thơm đặc sản từ những cá thể VD20 đột biến đầu tiên.
Từ đó, công trình lai tạo, nhân giống được tiến hành, cho ra đời hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST (Sóc Trăng). Trong đó, gạo ST24 vinh dự vào top 3 "Gạo ngon nhất thế giới" tổ chức tại hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức ở Macau - Trung Quốc. Đến với hội nghị lần thứ 11 ở Philippines mới đây, ST25 đã vượt qua ST24 và những loại lọt vào tốp đầu để nhận giải nhất "Gạo ngon nhất thế giới 2019".
Nhớ lại quá trình cho ra đời ST25, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết khoảng năm 2002-2003, sau khi cùng 2 cộng sự thu thập nhiều giống lúa bố mẹ từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Thái Lan, Bangladesh…, nhóm của ông bắt đầu cho lai phức hợp từ 10-12 vụ lúa để cho ra dòng ổn định.
Kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” ST25 - “Gạo ngon nhất thế giới 2019”.Ảnh: Trường Huy
"Quy mô khu chọn giống rất rộng vì các con lai phân ly rất mạnh và kéo dài. Trong đó, ST24 và ST25 là lai phức hợp nhiều giống, chọn bố mẹ thơm ngon để con lai thụ hưởng những đặc tính tốt nhất" - ông Cua giải thích. Mãi đến năm 2014, nhóm của ông mới chọn ra được giống ổn định và bắt đầu đưa ra khảo nghiệm.
Trải qua gần 25 năm nghiên cứu để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Sóc Trăng, nhóm của kỹ sư Hồ Quang Cua đã lập trình những tổ hợp lai gồm nhiều đời bố mẹ có gien thơm đặc biệt, tạo ra 25 giống lúa có mùi thơm của dứa, của khóm… nên được lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thống nhất đặt tên là lúa thơm Sóc Trăng (gọi tắt là ST). Trong đó, ST24 và ST25 có chu kỳ sản xuất chỉ 95 ngày. Cả 2 cùng có ưu điểm là hạt gạo dài, trắng đẹp và rất thơm.
Kỹ sư Hồ Quang Cua nhớ lại: "Do thiếu rất nhiều thiết bị, dụng cụ hỗ trợ nên việc lai tạo lúc đầu rất khó khăn. Hơn nữa, tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc đó chưa có nên tôi "mượn tạm" tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện".
Theo vị "cha đẻ" của "Gạo ngon nhất thế giới 2019", đây là thành tích tập thể, của cả nhóm nghiên cứu chứ không phải của riêng ai. Trong đó, vai trò của TS Phương và kỹ sư Hương là rất quan trọng. Hai người đã kết hợp cùng kinh nghiệm của kỹ sư Cua để cho ra đời hạt gạo ST25 gây "sốt" trên thị trường những ngày cuối năm.
Nói về việc xây dựng thương hiệu gạo Việt, kỹ sư Hồ Quang Cua cho rằng đây là vấn đề mang tầm vóc quốc gia. Trong đó, chất lượng giống là tiền đề đem lại thương hiệu gạo ngon.
"Để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, chúng ta không nên ngồi chờ đợi chủ trương, chính sách. Doanh nghiệp phải nắm bắt kịp thời xu thế của thị trường, cùng liên kết với nông dân tái tổ chức sản xuất, kiểm soát được nguồn gốc hàng hóa, từ đó có thể hướng dẫn nông dân sản xuất đúng quy trình, đạt chất lượng vệ an toàn sinh thực phẩm, luôn có nguồn hàng dự trữ lớn để cung cấp cho đối tác ngước ngoài" - ông đề xuất.
Ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng gạo ST25 không chỉ là niềm tự hào của tỉnh mà còn là của cả nước. Song, tạo ra loại gạo ngon nhất thế giới đã khó, muốn giữ vững thương hiệu lại càng khó khăn gấp nhiều lần.
Để tiếp tục tạo dựng uy tín, giữ vững thương hiệu gạo ngon nhất thế giới, theo ông Trần Văn Chuyện, ngành NN-PTNT Sóc Trăng cần thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân phải giữ được chất lượng, tiêu chuẩn gạo. Bên cạnh đó, cần phát triển mạnh các mô hình sản xuất an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng còn cho rằng cần quy hoạch vùng sản xuất lúa đặc sản, trong đó ưu tiên tập trung phát triển các giống ST, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, vùng sản xuất theo chuỗi gắn kết từ đầu vào tới đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra, cần quan tâm quảng bá sản phẩm lúa gạo của Sóc Trăng nói chung và nhóm ST nói riêng; tập huấn, triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến và ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
"Tiếp tục hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm nghiên cứu lai tạo các giống ST mới và duy trì chất lượng các dòng lúa ST hiện có. Hỗ trợ doanh nghiệp về các thủ tục pháp lý để sớm công nhận ST25 là giống lúa cấp quốc gia; hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp để cung ứng giống lúa này phục vụ sản xuất và mở rộng thị trường" - ông Trần Văn Chuyện nhấn mạnh.
Bình luận (0)