Bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM - nhìn nhận cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật. Đến nay, hàng Việt duy trì được tỉ lệ hơn 90% tại hầu hết các hệ thống siêu thị và trên 60% tại các chợ, cửa hàng.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tham quan một gian hàng bên lề hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện thông báo kết luận số 264-TB/TW, ngày 31-7-2009 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Ảnh: Hoàng Triều
Đánh thức tình yêu hàng Việt
Theo bà Tô Thị Bích Châu, suốt 10 năm, chương trình hành động thực hiện cuộc vận động luôn gắn với các kế hoạch, nhiệm vụ và chương trình phát triển kinh tế TP, trong đó có chương trình bình ổn thị trường - một chương trình mang tính sáng tạo cao và đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. TP HCM đã tập trung thông tin, tuyên truyền, khuyến khích sử dụng hàng Việt; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) với thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán lẻ, chống hàng gian, hàng giả… Trong đó, ưu tiên tập trung bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. TP cũng tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh; đầu tư phát triển các ngành nghề truyền thống vùng, miền, hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại ngày càng văn minh, hiện đại; bảo đảm cho hàng hóa lưu thông thuận lợi. Đặc biệt, việc tuyên truyền cuộc vận động còn gắn với các chương trình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, cung cấp nguồn gốc sản phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa cho người tiêu dùng.
Nhiều DN cho biết cuộc vận động đã thúc đẩy DN nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc khai thác tốt thị trường nội địa; chủ động vượt khó, chú trọng đầu tư cải tiến sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín thương hiệu. Từ bệ đỡ là cuộc vận động, DN đã chủ động nâng cao năng lực sản xuất - kinh doanh và từng bước xây dựng, vun đắp sự tin cậy ở người tiêu dùng. Kết quả là nhiều sản phẩm Việt phát triển vững chắc trong nhiều năm qua. Vinamilk, Vissan, Saigon Co.op, bóng đèn Điện Quang, phích nước Rạng Đông, dây cáp điện Cadivi, pin ắc-quy Miền Nam, quạt Asia, nước giải khát Chương Dương, Vinacafé Biên Hòa, nhựa Bình Minh, nhựa Đại Đồng Tiến, may Việt Tiến, nước chấm Cholimex, dầu Tường An, bút bi Thiên Long, cao su Casumina... đã trở thành những thương hiệu quen thuộc, chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng.
Chắp cánh bay cao, bay xa
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại TP HCM, cuộc vận động đã thành công trong việc đánh thức tình cảm của người tiêu dùng đối với hàng Việt. Trong giai đoạn tiếp theo, hàng Việt phải chinh phục người tiêu dùng trong nước lẫn ngoài nước. Đề án "Chắp cánh hàng Việt" đang được TP triển khai nhằm hỗ trợ DN trong cuộc chinh phục này. Cụ thể, đề án tập trung vào nhóm hàng nông sản thực phẩm, hướng tới xây dựng chuẩn cao hơn cho nông sản Việt: đạt chuẩn VietGAP trở lên, truy xuất được nguồn gốc, có thương hiệu và chuẩn về đóng gói bao bì. TP HCM đã làm việc với một số địa phương về khả năng cung ứng - tiêu thụ của địa phương lẫn nhu cầu tiêu thụ của TP. Trên cơ sở yêu cầu của nhà phân phối, các địa phương sẽ chọn ra nhà cung cấp đủ năng lực cung ứng và kết nối cho 2 bên hợp tác với nhau. "TP đang thí điểm kết nối Saigon Co.op với Hiệp hội Thanh long Long An và Tập đoàn Phân bón Quế Lâm để sản xuất thanh long theo đặt hàng của Saigon Co.op" - ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC), nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM và nguyên là người phụ trách đề án "Chắp cánh hàng Việt" - thông tin.
Ông Hòa nói thêm ngoài đề án này, đề án Sàn giao dịch heo do Sở Công Thương chủ trì cũng nhằm làm bệ phóng cho sản phẩm thịt heo, hướng tới không chỉ nâng chất mà còn thay đổi cả phương thức mua bán thịt heo. "Cách làm của chương trình "Chắp cánh hàng Việt" là đi vào từng nhóm hàng, ngành hàng, nhà cung cấp, nhà phân phối cụ thể chứ không làm đại trà. Để làm được điều đó, vai trò của nhà nước rất quan trọng: ban chỉ đạo đề án mà nòng cốt là Sở Công Thương phải là "kiến trúc sư" thiết kế, kiến tạo và kết nối, mời gọi các chủ thể tham gia" - ông Hòa giải thích và nói thêm thời gian tới vẫn rất cần sự góp sức của các nhà phân phối. Nhà phân phối chính là chủ thể nắm quyền lực của thị trường và là bộ lọc hàng hóa, dịch vụ hữu hiệu nhất. Một khi nhà phân phối nâng chuẩn thu mua, lập tức nhà sản xuất sẽ bằng mọi cách đáp lại. Và như thế, chất lượng hàng Việt đã được nâng lên một bậc!
Cảm ơn cuộc vận động!
Trong giai đoạn 10 năm đầu của cuộc vận động, hệ thống phân phối hiện đại góp phần không nhỏ trong việc đưa hàng Việt tiếp cận khách hàng. Ngoài chính sách ưu tiên cho hàng Việt, các chương trình quảng bá, khuyến mãi tập trung đã từng bước làm thay đổi thói quen tiêu dùng. Nhà bán lẻ thuần Việt là Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) và sau này là VinCommerce cùng các nhà bán lẻ nước ngoài đến từ Đức (Metro Cash & Carry), Pháp (Casion) trước đây và Hàn Quốc (Lotte Mart), Thái Lan (Central Group, TCC), Nhật (Aeon)… trong quá trình hoạt động đã tích cực hỗ trợ các DN sản xuất, các HTX, nông dân thay đổi tư duy sản xuất - kinh doanh để đủ điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng hiện đại. Nhờ vậy, đã xác lập được diện mạo khác biệt, đẳng cấp hơn cho hàng Việt cả về hình thức lẫn chất lượng, chạm được đến trái tim người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, bày tỏ lòng biết ơn đến cuộc vận động bởi theo ông, Saigon Co.op lẫn các nhà phân phối khác đã được thụ hưởng nhiều từ cuộc vận động này.
Bình luận (0)