Các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại TP HCM đang bước vào giai đoạn tăng tốc với nhiều ưu đãi lớn và sự tham gia tích cực từ chủ đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của Điện lực TP.
Phấn đấu đạt công suất 200 MWp
Theo Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), so với chỉ tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP giai đoạn 2015-2020 là năng lượng tái tạo phải đạt 1,75% công suất hệ thống, kết quả thực hiện đến nay đã đạt xấp xỉ 2% tương đương 100 MW (đốt rác phát điện khoảng 5 MW, còn lại là ĐMTMN).
Tính đến hết tháng 5-2020, toàn TP có 7.341 công trình với tổng công suất lắp đặt 94,49 MWp. Từ năm 2017 đến nay, lượng điện năng phát lên lưới là 33,33 triệu KWh (chưa bao gồm sản lượng điện được chính khách hàng sử dụng), trong đó có 102 dự án ĐMTMN có công suất từ 100 KWp đến 1.000 KWp đã đấu nối vào lưới điện TP với tổng công suất là 37,23 MWp.
"Ngành điện luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho phát triển ĐMT và khi các cơ chế chính sách phù hợp đi vào hoàn thiện, ĐMTMN sẽ phát triển rất nhanh, mạnh trong thời gian tới" - ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, khẳng định và cho biết mục tiêu của tổng công ty là hết năm nay, đầu tư ĐMTMN sẽ đạt công suất 200 MWp. Muốn vậy, TP HCM sẽ tập trung phát triển các dự án điện mặt trời trên mái nhà xưởng các công ty, doanh nghiệp (DN) tại các KCX-KCN.
Doanh nghiệp giới thiệu công nghệ ĐMTMN với khách hàng tại một triển lãm về năng lượng ở TP HCM
Tại hội thảo "Các giải pháp phát triển ĐMTMN tại TP HCM" do EVNHCMC tổ chức mới đây, PGS-TS Võ Viết Cường, Khoa Điện - Điện tử (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM), nêu thực tế năm 2017 công suất ĐMT tại Việt Nam đã đứng đầu các loại nguồn lắp đặt mới khác, cao gần gấp đôi điện gió.
PGS-TS Cường dự đoán tương lai ĐMT sẽ thay thế các nguồn điện khác. "Cách đây 10 năm, chi phí đầu tư ĐMT lên đến 5 USD/W nhưng hiện tại chỉ còn 0,21-0,23 USD/W, nghĩa là giảm đến 20 lần. Vì vậy, tương lai 80 năm nữa, ĐMT thay thế đến 70% - 80% nhu cầu điện thế giới là khả thi" - PGS-TS Võ Viết Cường phân tích.
Kỳ vọng vào những khách hàng lớn
Hơn một năm nay, các DN cung cấp giải pháp ĐMTMN đang tích cực chào hàng, tiếp cận các nhóm khách hàng tiềm năng là các hộ gia đình, DN sản xuất - kinh doanh, đồng thời liên kết với ngân hàng để xúc tiến các gói tài chính dành cho đầu tư ĐMTMN.
Công ty CP Năng lượng TTC (TTC Energy) đang có nhiều dự án cho thuê hệ thống phục vụ các DN kinh doanh. Công ty KTG thì đang tập trung vào đối tượng khách hàng là DN tại các KCX - KCN. Ông Đặng Trọng Ngôn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty, cho biết gần đây, công ty triển khai khá nhiều dự án lớn từ 7-8 MWp đến 15 MWp, cũng có một số dự án 1-2 MWp đối với nhà xưởng nhỏ.
"Đa phần là các dự án công ty hợp tác thuê mái nhà xưởng, có thể bán ĐMT giá ưu đãi hoặc chia sẻ doanh thu với họ. Thông thường, mức giá ĐMT mà KTG bán lại cho khách hàng sẽ thấp hơn giá điện của EVN khoảng 30% đối với điện kinh doanh và 10% đối với điện sản xuất. Trong khi đó, mức doanh thu chia sẻ có thể dao động 5%-10%, tùy thuộc nhiều yếu tố" - ông Ngôn nói.
Theo biểu giá mới (FIT-2), ĐMTMN được áp dụng từ nay đến hết ngày 31-12-2020 là 8,38 US cent/KWh (tương đương 1.934 đồng/KWh). Sau thời gian này, có thể Bộ Công Thương sẽ cập nhật lại biểu giá. Hiện một số chủ đầu tư ĐMTMN đang "chạy đua" triển khai dự án để đưa vào vận hành trước ngày 31-12 nhằm được hưởng mức giá trên.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Duy Thịnh, quản lý dự án của Công ty SolarBK, phân tích thời hạn về giá mua ĐMT chỉ ảnh hưởng các nhà đầu tư hoặc hộ gia đình đầu tư để bán, còn các trung tâm thương mại, DN sản xuất có nhu cầu sử dụng điện rất lớn nên lắp đặt ĐMT để sử dụng và gần như không quan tâm giá FIT-2. Hiện tại, SolarBK đã đầu tư khoảng 10MWp, khách hàng chủ yếu là các trung tâm thương mại.
Bình luận (0)