Hình minh hoạ (nguồn internet)
Vụ điện thoại iPhone phát nổ gây thương tích cho bé trai 13 tuổi ở Nghệ An và được chuyển đến bệnh viện hữu nghị Việt Đức một lần nữa khiến nhiều người sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) lo lắng. Vì đây không phải là lần đầu xảy ra sự cố này mà trước đó (cách nay khoảng một tháng) tại một bệnh viện ở Nam Định cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân nam khoảng 17 tuổi cũng bị thương tích ở tay do vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin dẫn đến nổ điện thoại. Tháng 9 năm ngoài cũng có thông tin một bé trai khoảng 7 tuổi phải vào bệnh viện ở Nghệ An vì điện thoại phát nổ gây thương tích ở tay. Một số người đặt vấn đề trách nhiệm thuộc về ai trong những vụ điện thoại phát nổ như vậy.
Phóng viên đã đem vấn đề này đi hỏi các nhà bán lẻ điện thoại quy mô lớn tại TP HCM và được biết trước giờ họ chưa nhận phản ánh nào về điện thoại phát nổ từ khách hàng. Nhà bán lẻ cũng cho biết họ chỉ chịu trách nhiệm về việc kinh doanh hàng chính hãng cũng như cung cấp các phụ kiện chính hãng cho khách hàng. Các vấn đề về lỗi kỹ thuật, cũng như liên quan về an toàn cho người sử dụng là trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất. Trong hợp đồng phân phối sản phẩm điện thoại di động giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ có điều khoản về việc sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như không an toàn cho khách hàng thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, để xác định trách nhiệm bồi thường trong vụ iPhone phát nổ làm nạn nhân phải cắt cụt tay cần phải xác định nguyên nhân, cũng như lỗi của các bên trong việc iPhone phát nổ. Thực tế cho thấy rất nhiều trường hợp điện thoại phát nổ là do cách sử dụng của người tiêu dùng, như sử dụng điện thoại, phụ kiện không rõ nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng điện thoại trong lúc sạc. Do đó, nếu người tiêu dùng có lỗi trong việc làm điện thoại phát nổ thì không thể yêu cầu nhà sản xuất bồi thường.
Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: Phải có thiệt hại xảy ra. Phải có hành vi trái pháp luật. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.
Cũng theo luật sư Hậu, trong trường hợp nguyên nhân điện thoại phát nổ là do điện thoại có khuyết tật, theo Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng thì sẽ được miễn trách nhiệm.
"Theo đó, nếu việc iPhone phát nổ là do sản phẩm bị khuyết tật thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Người tiêu dùng có thể khởi kiện chủ thể này để yêu cầu bồi thường" - luật sư Hậu cho biết.
Cũng theo luật sự Hậu, Điều 23 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra cũng nêu rõ tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm: Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa; tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại các điểm a, b và c khoản này. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Bình luận (0)