Tránh bị tác động xấu
Ông Trương Đình Tuyển đánh giá đây không chỉ là thương chiến thuần túy mà là cuộc cạnh tranh chiến lược của một nước vốn là siêu cường nhưng vị trí đang giảm dần (Mỹ) và một quốc gia mới trỗi dậy (Trung Quốc). Do đó, tác động của cuộc chiến này đến nền kinh tế thế giới là không nhỏ. "Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ sẽ khiến hàng hóa của nước này cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới, nhất là những thị trường có chung hiệp định thương mại (FTA) với Việt Nam. Một nguy cơ khác là hàng hóa Trung Quốc tràn sang Việt Nam để lợi dụng xuất xứ, gây nguy hiểm cho quan hệ thương mại Việt - Mỹ. Đáng lo ngại hơn, do Trung Quốc đang trong thời kỳ thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất nên có thể đẩy sang Việt Nam nhiều sản phẩm, công nghệ dư thừa, chất lượng kém…" - ông Tuyển nêu một số hệ lụy.
Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, giả định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn trong thời gian dài thì một số quốc gia có độ mở nền kinh tế lớn như Việt Nam, Singapore sẽ chịu tác động lớn chứ không phải được hưởng lợi như nhiều dự báo trước đây.
Phân tích cụ thể, Giám đốc VCES cho rằng thương chiến làm giảm hiệu ứng của các FTA Việt Nam ký kết. Bởi vì, lợi thế về thuế suất ưu đãi khi ký FTA chỉ phát huy khi DN có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hợp lệ nhưng việc hàng hóa Trung Quốc gian lận xuất xứ là hàng Việt Nam đã khiến các DN Mỹ cảnh giác hơn với hàng Việt. Nếu không có biện pháp xử lý tốt, châu Âu, Nhật Bản cũng sẽ có cách tiếp cận khác với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Tận dụng lợi thế ít ỏi
Đánh giá lợi thế hàng hóa ở hầu hết các nhóm như nông sản, thực phẩm chế biến, hóa chất và nhựa, gỗ giấy, dệt may, da giày, sản phẩm điện tử… của Việt Nam đều không lớn do thị phần quá nhỏ và không có thế mạnh ở những sản phẩm Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao, TS Phạm Sỹ Thành cho rằng để tận dụng lợi thế ít ỏi là hoàn thiện việc quản lý, cung cấp và kiểm tra xuất xứ hàng hóa, qua đó tranh thủ nâng cao tỉ lệ tận dụng ưu đãi FTA.
Bên cạnh việc theo dõi và quản lý các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng ở khu vực cũng là cơ hội vàng để tiếp nhận các chuỗi cung ứng phù hợp với mục tiêu phát triển dài hạn của Việt Nam. "Cần nhìn nhận thương chiến như thời cơ chiến lược để có một diện mạo công nghiệp chất lượng tốt hơn" - ông Thành nói thêm.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển góp ý DN điều chỉnh thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, khai thác tốt hơn nhiều FTA đã ký kết trong các năm qua, như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản… "Cố gắng tìm hướng xuất khẩu vào các thị trường có FTA, khi đó đối tác có trách nhiệm thực hiện cam kết, tạo sự ổn định cho DN xuất khẩu của Việt Nam" - ông Tuyển phân tích.
Bình luận (0)