Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong năm 2013 xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,57 tỉ USD (tăng gần 200% so với năm 2007), dự kiến năm 2013 xuất khẩu trên 5,3 tỉ USD, tăng 12% so với năm ngoái. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ. Tuy nhiên, ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp đồ gỗ trong nước lại “thất thủ” với hàng ngoại nhập.
Manh mún
Nhiều doanh nghiệp gỗ trong nước đang lo lắng thời điểm năm 2015 cận kề, các nước trong khối ASEAN sẽ trở thành cộng đồng kinh tế, hàng hóa từ các nước này sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam với thuế suất bằng 0, trong đó có các mặt hàng đồ gỗ. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp đồ gỗ trong nước. Hàng nước ngoài có lợi thế về thương hiệu, mẫu mã đa dạng, chất lượng đã được khẳng định. Các doanh nghiệp lo lắng nhất ASEAN + 1, tức những doanh nghiệp lớn đến từ Trung Quốc với lợi thế giá rẻ, mẫu mã đa dạng, thao túng thị trường là điều khó tránh khỏi.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết doanh nghiệp gỗ trong nước đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm trên 90%; chỉ có 5,5% doanh nghiệp quy mô vừa và 4,2% doanh nghiệp quy mô lớn. Doanh nghiệp trong nước có năng lực sản xuất, kinh doanh còn thấp, sức cạnh tranh còn yếu. Mặt khác, chưa có sự gắn kết giữa các đơn vị trồng rừng thương mại với các doanh nghiệp chế biến gỗ.
Tiềm năng lớn
Cũng theo ông Quyền, thị trường đồ gỗ trong nước còn rất lớn, nhiều tiềm năng với dân số gần 100 triệu người. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp phải có cách đưa sản phẩm của mình ra thị trường nội địa, tạo dựng thương hiệu để tìm chỗ đứng vững chắc, nếu không sẽ chậm chân. Hiện đồ gỗ của Singapore, Thái Lan, Malaysia đã có mặt tại Việt Nam và sắp tới sẽ còn nhiều nước khác tràn sang.
Còn theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, phần lớn người tiêu dùng chưa quen với thương hiệu đồ gỗ trong nước, chưa nhận diện được chất lượng sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kế hoạch dài hạn, gia tăng chất lượng, dịch vụ hỗ trợ khách hàng và phải khẳng định thương hiệu tại thị trường nội địa. Cần có chiến lược quảng bá thương hiệu, chất lượng bài bản, tạo sản phẩm chất lượng cao.
Ông Hạnh cho biết trước mắt, hàng Thái Lan, Malaysia đã tràn vào và đang khẳng định tên tuổi. Doanh nghiệp gỗ Thái Lan đang âm thầm sang nhượng lại các cửa hàng đồ gỗ kinh doanh không hiệu quả để mở rộng hệ thống phân phối của họ tại Việt Nam. Còn các nước khác trong khu vực ASEAN sẽ khó vào vì chi phí sản xuất của họ cao, chưa kể chi phí vận chuyển sẽ làm đội giá thành, khó cạnh tranh với hàng trong nước. Tuy nhiên, những nước này cũng đã có nhà máy tại Việt Nam nên họ sẽ dùng chính sản phẩm sản xuất tại Việt Nam để tiêu thụ tại chỗ.
Đồ gỗ ngoại tiêu thụ trong nước chưa có quy định về gỗ hợp pháp. Các tiêu chuẩn về hàm lượng chì trong hóa chất xử lý bề mặt sản phẩm gỗ, tiêu chuẩn chất phân hủy trong keo để tạo ra chất dính xử lý gỗ (là chất có thể gây ung thư) cũng chưa có. Đây là khe hở để sản phẩm nước ngoài tuồn hàng có chất độc hại cũng như sử dụng nguồn gỗ không hợp pháp để cạnh tranh.
Bình luận (0)