Thời gian gần đây, các doanh nghiệp (DN) lớn dồn dập công bố các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nâng cao sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp nước nhà.
Những dự án trăm tỉ
Thương hiệu trứng sạch Ba Huân đã nổi tiếng trên thị trường nhiều năm nay nhưng không phải ai cũng biết Công ty CP Ba Huân đã đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng cho quy trình khép kín cho quả trứng từ trang trại đến bàn ăn. Theo bà Phạm Thị Huân, Chủ tịch HĐQT công ty, liên tục những năm gần đây, doanh thu công ty tăng trưởng 15%-20%/năm. Công ty đang phát triển thị trường miền Bắc, mở thêm mảng sản xuất thực phẩm chế biến và kế hoạch 2018 là sẽ tiếp tục mở rộng trang trại, nhà máy chế biến thực phẩm. Song song đó, công ty hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu trứng tươi thương hiệu Ba Huân sang một số thị trường trong ASEAN và châu Á.
Mới đây, Quỹ Đầu tư VinaCapital, thông qua công ty con là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), đã trở thành cổ đông chiến lược của Công ty CP Ba Huân khi rót 32,5 triệu USD vào DN này. Theo VinaCapital, toàn bộ 32,5 triệu USD vốn đầu tư hiện nay sẽ được Ba Huân sử dụng để tái cơ cấu DN và tăng công suất cho các mảng hoạt động sản xuất - kinh doanh cốt lõi.
Sau 6 năm bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp, cuối tháng 2 vừa qua, Minh Hưng Group (tốp 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam), công bố dự án xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm bằng công nghệ xử lý áp suất cao (HPP) có tổng vốn đầu tư 500 tỉ đồng tại Long An. Dự án có sự tham gia của 2 đối tác nước ngoài là Tập đoàn MHEnviron (Canada) và Avure Technologies (thuộc tập đoàn đa quốc gia JBT) dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019. Mục tiêu của dự án là xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng như phở, bún bò Huế, nước ép (dưa hấu, chanh leo, dứa…) vẫn còn giữ được sự tươi ngon nhờ công nghệ HPP. Công nghệ này giúp kéo dài thời gian sử dụng của thực phẩm mà không dùng hóa chất hay xử lý nhiệt thông thường đã được các thị trường Mỹ, Canada chấp nhận và có đơn hàng nhập khẩu. Theo ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch HĐQT Minh Hưng Group, công ty sẽ đầu tư vào kho bãi và công nghệ bảo quản sau thu hoạch để trữ hàng khi rộ mùa thay thu mua quả canh tác nghịch mùa chi phí cao.
Đầu năm 2018, "đại gia thép" Hòa Phát triển khai dự án chăn nuôi gà đẻ trứng giống và gà đẻ trứng thương phẩm, dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường trên 20 triệu trứng gà thương phẩm. Trước đó, DN này đã đầu tư vào nhà máy chế biến thức ăn gia súc, chăn nuôi heo, bò dù tỉ trọng đóng góp còn nhỏ trong cơ cấu doanh thu lợi nhuận chung của tập đoàn.
Bắt đầu xây dựng vào đầu năm 2017, mới đây Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Sản xuất Máy nông nghiệp THACO với tổng vốn đầu tư hơn 500 tỉ đồng. Sản phẩm là các loại máy kéo nông nghiệp có công suất từ 18 HP đến 120 HP, máy gặt đập và các thiết bị canh tác phục vụ ngành nông nghiệp được kiểm soát bằng hệ thống quản lý chất lượng ISO - TS16949. Trong giai đoạn đầu, nhà máy có công suất thiết kế 2.000 máy kéo/năm, 3.000 bộ thiết bị canh tác và 1.000 máy gặt đập liên hợp. Mục tiêu nhà máy đặt ra đối với sản phẩm máy kéo là chiếm 7% thị phần năm 2018 (500 chiếc) và 38% thị phần (2.100 chiếc) năm 2026. Ngoài ra, nhà máy sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm các loại máy nông nghiệp khác để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu (Lào, Campuchia, Philippines, Myanmar, Indonesia…)
Nông trại trồng rau sạch của VinEco tại Đồng Nai Ảnh: NGỌC ÁNH
Ứng dụng công nghệ cao
Phát biểu tại một sự kiện diễn ra ở TP HCM mới đây, ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nông nghiệp vẫn là trụ cột rất quan trọng. Năm 2017, nông nghiệp đạt nhiều thành tựu như xuất khẩu đạt mức chưa từng có là 36,3 tỉ USD. Năm 2018, dự báo ngành nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 6,1 tỉ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017.
"Tuy nhiên, nhìn chung vẫn sản xuất manh mún với 80 triệu thửa ruộng, gần chục triệu hộ nông dân nhỏ lẻ. Đặc biệt, thất thoát sau thu hoạch lớn, hạ tầng kho bãi, chế biến rất lạc hậu, giá trị gia tăng thấp. Do vậy, để nông nghiệp phát triển thành ngành kinh tế hàng hóa quy mô lớn, cần sự tham gia của các DN có tiềm lực để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhiều DN đi tiên phong đã có những kết quả đáng mừng, đạt đến trình độ công nghệ thế giới. Theo số liệu chưa chính thức, tuy ngân sách đầu tư cho nông nghiệp không tăng so với các năm trước đây nhưng tính riêng 25 dự án lớn của các DN đã thu hút hơn 27.000 tỉ đồng phát triển nông nghiệp" - ông Tiến thông tin.
VinEco là thành viên của Tập đoàn Vingroup, chỉ trong vòng hơn 2 năm đã xây dựng và phát triển thành công 14 nông trường quy mô và chuyên nghiệp trên cả nước. Các nông trường được quy hoạch thiết kế một cách khoa học gồm: khu sản xuất đồng ruộng, khu nhà kính, khu sơ chế, đóng gói, khu bảo quản. Năm 2018, VinEco dự kiến cung cấp 4.000-5.000 tấn nông sản an toàn/tháng, tăng gấp đôi so với năm 2017. Đáng chú ý là VinEco giữ tỉ lệ cân đối 50/50 giữa sản lượng tự sản xuất và thu mua của hộ sản xuất để bảo đảm luôn có đầu ra an toàn cho các hộ sản xuất tham gia Chương trình đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt. Đến nay, đã có hơn 1.000 hộ sản xuất đủ điều kiện và được ký hợp đồng cung cấp nông sản sạch hằng ngày cho VinEco. VinEco triển khai các hoạt động hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn cách làm và không thể bỏ qua khâu kiểm soát để có được nguồn nông sản sạch từ hộ sản xuất liên kết.
Không chỉ đầu tư trực tiếp vào nuôi trồng, một số doanh nghiệp đã liên kết cùng nông dân sản xuất nhằm lan tỏa tinh thần làm nông nghiệp sạch.
Bình luận (0)