Mới đây, tại hội thảo chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và phát triển các nhà cung cấp trong nước, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, Công ty Techtronic Industries (TTI) - đơn vị đang chiếm 44% thị phần toàn cầu về thiết bị không dây - đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ và phát triển các nhà cung cấp trong nước nhằm kết nối, mở rộng thị trường và tìm nhà cung cấp nguyên liệu công nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) FDI đa quốc gia.
Với thỏa thuận hợp tác này, TTI sẽ hỗ trợ phát triển một số nhà cung cấp trong nước để tăng dần tỉ lệ nội địa hóa cho các nhà máy tại Việt Nam. Ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành TTI, cho biết công ty đã đầu tư nhiều cụm nhà máy nhỏ tại Bình Dương và 1 dự án trung tâm R&D ở Khu Công nghệ cao; công ty rất muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, xác định đây là hướng đi bền vững.
Cũng như TTI, các DN lớn, tập đoàn sản xuất lớn đang đặt nhà máy tại Việt Nam tích cực hỗ trợ, phát triển các nhà cung cấp tại chỗ để tối ưu hóa chi phí. Mặc dù vậy, việc nội địa hóa đến nay vẫn còn rất chậm bởi phần lớn nhà cung cấp Việt còn nhiều hạn chế về chất lượng, giá thành, chi phí, vốn… chưa đủ sức tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Các doanh nghiệp sản xuất đầu cuối nước ngoài tại Việt Nam đang đẩy mạnh nội địa hóa
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, cơ hội để các DN CNHT Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thâm nhập thị trường thế giới đang được mở rộng bởi sau đại dịch Covid-19, một số DN FDI đa quốc gia bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu và tìm kiếm các DN trong nước chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện ngành CNHT để thay thế.
Để thúc đẩy ngành CNHT phát triển, Chính phủ đã đề ra các giải pháp đột phá về thể chế, nguồn nhân lực chất lượng và phát triển hạ tầng công nghệ. Trong đó, đẩy mạnh đột phá trong ngành CNHT để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành CNHT trong nước…
Tại TP HCM, UBND TP đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN ngành CNHT như vốn, công nghệ, đối tác, thị trường nhằm khai thác hết tiềm năng của ngành. TP HCM cũng vừa kiến nghị một số giải pháp phát triển CNHT. Được biết, thời gian tới TP sẽ rà soát bố trí quỹ đất phục vụ phát triển CNHT để đáp ứng nhu cầu cho DN nhỏ và vừa với quy mô diện tích và giá thuê phù hợp; thực hiện tốt Chương trình kích cầu đầu tư nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho DN đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tổ chức kết nối DN - ngân hàng để giải quyết về vốn đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp - CNHT hoặc lồng ghép với chương trình kết nối ngân hàng - DN của các quận, huyện.
Song song đó, thường xuyên liên hệ với các tổ chức tài chính, các quỹ hỗ trợ phát triển trong và ngoài nước như JICA, Quỹ Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ... nhằm nắm bắt, gắn kết các nguồn vốn, định chế tài chính hỗ trợ khác nhằm tranh thủ nhiều nhất sự hỗ trợ phát triển DN CNHT…
Bình luận (0)