Tỉ lệ nội địa hóa còn quá thấp
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử liên tục đứng đầu danh mục xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện tử, điện gia dụng đạt khoảng 62 tỉ USD, chiếm 28,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước nhưng chuỗi cung ứng từ linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT), sản phẩm hoàn chỉnh… phần lớn thuộc về khối DN FDI.
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phải nhập đến 77% linh kiện, trong đó nhập khẩu linh kiện điện, điện tử cơ bản lên đến hơn 98%; nhập linh kiện điện, điện tử chuyên dụng hơn 84%. Số linh kiện sản xuất trong DN chiếm chưa đến 6%. Sản phẩm chủ lực ngành điện tử vẫn là điện thoại và máy in. Thực trạng này vừa là thách thức vừa là cơ hội cho cho hơn 98% trong tổng số hơn 700.000 DN nhỏ và vừa trong nước tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT ngành điện tử.
Trước những khó khăn của DN nội địa khi tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT ngành điện tử, TS Nguyễn Trọng Hiệu, chuyên gia tư vấn Dự án USAID GIG, cho rằng trong cả chuỗi giá trị điện tử, những yếu tố quan trọng là nghiên cứu, thiết kế, phần mềm để đưa ra các sản phẩm mới, cốt lõi mang lại giá trị cao nhất. Đó là thách thức đối với các DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân còn nhiều hạn chế về nguồn nhân lực.
Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, công nghệ tại một hội nghị kết nối ở TP HCM
Tăng cường liên kết, hỗ trợ
Theo các chuyên gia, để DN nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ngành điện tử, ngoài nỗ lực của các DN để khắc phục hạn chế trong năng lực sản xuất, kỹ thuật sản xuất, kinh nghiệm quản lý thì còn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa từ Chính phủ. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung hỗ trợ DN nhỏ và vừa tăng cường liên kết với các công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Song song đó, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua việc giúp các công ty đa quốc gia giảm chi phí khi sử dụng nguồn cung linh kiện, phụ tùng trong nước; nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, thúc đẩy kết nối…
Tại TP HCM, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển CNHT TP HCM (thuộc Sở Công Thương), cho biết một số DN đã chủ động đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, đáp ứng nhu cầu cao của các DN sản xuất sản phẩm đầu cuối.
Bà Oanh cho biết TP đang tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cung ứng, phát triển nguồn nhân lực… cho các DN CNHT trên địa bàn thông qua 5 chương trình: đào tạo DN phát triển bền vững (SCORE), đào tạo DN phát triển toàn diện theo chương trình đào tạo của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tư vấn cải tiến cho DN Việt Nam của Samsung, chương trình đào tạo tư vấn viên về năng suất và chất lượng cho các DN Việt, thí điểm phát triển nhà cung cấp (SDP) đầu tiên tại Việt Nam do Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương phối hợp Tổ chức Tài chính quốc tế/Nhóm Ngân hàng Thế giới (IFC/WB) tổ chức.
Tăng trưởng khá
Theo thống kê của Sở Công Thương TP HCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lũy kế 9 tháng năm 2018 trên địa bàn ước tăng 7,89% so với cùng kỳ năm trước với điểm sáng là sự tăng trưởng ấn tượng của ngành sản xuất hàng điện tử với mức tăng 18,28%.
Sở Công Thương đang tham mưu UBND TP HCM tổ chức các buổi làm việc, tiếp xúc tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là các DN thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, đồng thời hỗ trợ DN phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp - CNHT thông qua các hoạt động như vận hành Cổng thông tin cơ sở dữ liệu công nghiệp - CNHT, tạo kênh kết nối và quảng bá cho DN; kết nối với các DN FDI.
Bình luận (0)