xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp đòi nợ ngành thuế

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định nhà nước không thiếu tiền để hoàn thuế trong khi nhiều doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục, nhận được quyết định hoàn thuế nhưng vẫn mòn mỏi chờ... tiền

Ngày 5-11, hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2015 đã được Bộ Tài chính và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP HCM. Những câu hỏi tại hội trường không “nóng” bằng giờ giải lao khi một số doanh nghiệp (DN) đến tận bàn Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chất vấn vì sao DN đã nhận quyết định hoàn thuế nhưng tiền vẫn “treo”?

Mòn mỏi chờ hoàn thuế

Bà Vũ Thị Hoài Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Tân Nhất Hương, không chờ đến lượt được phát biểu mà trực tiếp lên gặp Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn để thắc mắc về số tiền 21 tỉ đồng mà công ty đã nhận được quyết định hoàn thuế: “Ngành thuế TP HCM giải thích rằng do quỹ hoàn thuế rót về chỉ 17.000 tỉ đồng nên phải ưu tiên cho những DN sản xuất xuất khẩu. Nhưng đó là DN nước ngoài, còn DN trong nước là “con đẻ” tại sao cứ bị treo hoài?”.

 

Rất đông đại diện doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại với lãnh đạo Bộ Tài chính
Rất đông đại diện doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại với lãnh đạo Bộ Tài chính

 

Cũng theo bà Sơn, Công ty Tân Nhất Hương còn 2 bộ hồ sơ hoàn thuế khác đã nộp nhưng chưa được cơ quan thuế ra quyết định hoàn thuế. Đáng nói, trong một lần đối thoại cách đây không lâu, nhân viên của bà Sơn cũng hỏi bao giờ DN được hoàn thuế thì lãnh đạo Cục Thuế TP cũng chỉ nói sẽ ghi nhận và chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện. “Bị nợ tiền hoàn thuế quá lâu khiến DN gặp khó khăn do phải đi vay vốn ngân hàng với lãi suất cao để phục vụ sản xuất” - bà Sơn than.

Công ty TNHH Xuất khẩu Uniexpo cũng “đau đầu” vì cơ quan thuế “treo” hơn 11 tỉ đồng mà lẽ ra DN phải được hoàn. Uniexpo đã nộp hồ sơ từ lâu nhưng chưa nhận được quyết định hoàn thuế bởi nhiều lý do. Có thể do số tiền DN đề nghị hoàn thuế tăng đột biến so với những lần trước nên Chi cục Thuế quận 3 đã chuyển sang dạng kiểm tra trước, hoàn sau (thay vì hoàn trước, kiểm tra sau như trước đây). Trong khi đại diện Uniexpo giải thích rằng do cuối năm ngoái DN không xuất hàng mà dồn vào 3 tháng đầu năm nên số tiền mới tăng đột biến.

Không phải do thiếu tiền!

“Không có chuyện ngân sách nhà nước thiếu tiền nên chậm hoàn thuế. Chỉ riêng Cục Thuế TP HCM hiện còn khoảng 900 tỉ đồng sẵn sàng chi cho DN. Tuy nhiên, những phản ánh của DN cho thấy ngành thuế cần xem lại để cải cách công tác hoàn thuế tốt hơn. Có thể đã xảy ra vướng mắc đối với các DN được Tổng cục Thuế giao về các chi cục thuế, giữa người ra quyết định và người thực thi. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu sẽ giao cho cục trưởng cục thuế các địa phương chịu trách nhiệm” - ông Tuấn khẳng định.

Ông Tuấn cũng chia sẻ rằng Bộ Tài chính không thể đi kiểm tra tất cả 63 cục thuế nhưng có tình trạng DN tạm nhập tái xuất mặt hàng bia rượu, khoáng sản thì được hoàn thuế rất nhanh, còn DN sản xuất lại rất khó khăn. Do đó, Bộ Tài chính đang yêu cầu Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn thuế theo hướng công khai để các DN có thể thấy được hồ sơ hoàn thuế của mình đang nằm ở đâu, tới khâu nào...

Ám ảnh kiểm tra chuyên ngành

Bên cạnh chuyện hoàn thuế, nhiều DN còn bức xúc về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện thủ tục thuế, hải quan. Đại diện Công ty TNHH Hải Nam (Bình Thuận) cho biết khi xuất khẩu hàng nông sản tươi, dù đã mở tờ khai trước nhưng phút chót thường thay đổi về số lượng (do chất lượng hoặc rớt hàng lại), nếu hàng đi vào ngày cuối tuần thì không thể điều chỉnh tờ khai, có kịp điều chỉnh thì hải quan cũng yêu cầu kiểm tra thực tế 100% hàng hóa. “Hàng tươi sống mà mở bao bì kiểm tra 100% thì hư hỏng hoặc giảm chất lượng, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình kinh doanh của DN” - vị đại diện này nói.

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành đang là nỗi ám ảnh của DN. Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy tỉ lệ kiểm tra chuyên ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam lên tới 38%, trong khi các nước chỉ từ 15%-20% nên ảnh hưởng rất lớn đến sự cạnh tranh của DN.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hàng xuất khẩu thủy sản tươi sống nguyên tắc là kiểm tra theo rủi ro chứ không phải kiểm tra 100%. Còn hiện nay, những lô hàng nào phải kiểm tra chuyên ngành là tiếp tục kiểm tra hải quan 100% gây trùng lắp, mất thời gian, chi phí của DN và không theo thông lệ quốc tế. Dự kiến tháng 12 này, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi, nếu không rất khó rút ngắn thủ tục hải quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến cơ chế một cửa quốc gia, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP HCM, cho rằng ngành hải quan đang áp dụng cơ chế một cửa quốc gia nhưng lại không liên thông. Hàng hóa không thể thông quan vì phải chờ giấy chứng nhận, giấy kiểm định, giấy xác nhận của các bộ, ban, ngành liên quan.

“Dù đã hiện đại hóa hải quan nhưng DN vẫn phải “lượn một vòng” tới nhiều bộ, ngành để xin các loại giấy tờ kiểm tra chuyên ngành. Một cửa nhưng nhiều chìa khóa, lại nằm rải rác các nơi. Cần áp dụng hệ thống điện tử kê khai qua mạng ở những bộ, ngành khác mới mong cải thiện tình trạng trên” - ông Bé kiến nghị.

 

Giải quyết nhanh những vướng mắc

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, có khoảng 26.000 DN được hoàn thuế mỗi năm trên cả nước, riêng TP HCM chiếm đến 1/3. Hiện TP HCM còn tồn khoảng 600 bộ hồ sơ của DN liên quan đến hoàn thuế (trong đó có cả những DN đã có quyết định nhưng chưa được hoàn - PV).

Ông Tuấn thừa nhận công tác hoàn thuế là một trong những vấn đề “nóng” thời gian qua, nhất là ở

TP HCM. Hiện Bộ Tài chính đã tăng cường một bộ phận thực hiện việc giám sát và hỗ trợ công tác hoàn thuế tại Cục Thuế TP. Ngay trong chiều 5-11, lãnh đạo Bộ Tài chính đã trực tiếp làm việc với Cục Thuế TP xung quanh vấn đề này và sẽ xử lý triệt để những vướng mắc DN đặt ra.

 

Xếp hàng... chờ phát biểu

Tại buổi đối thoại, ban tổ chức đã dành 3 giờ cho phần hỏi đáp trực tiếp giữa lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế với các doanh nghiệp (DN) nhưng dường như chưa đủ. Số DN đến quá đông. Hội trường Thống Nhất không còn chỗ trống, ghế ngồi liên tục được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều đại diện DN phải đứng để nghe.

Khi nghe ban tổ chức thông báo chỉ còn 1 DN được phát biểu, buổi đối thoại sẽ kết thúc, một nữ doanh nhân vội chạy thẳng đến bàn đặt câu hỏi, thắc mắc: “Chị đăng ký lâu rồi sao chưa được phát biểu, chỉ cho một ý kiến nữa thì làm sao?”. Cuối cùng, xấp câu hỏi mà các DN đăng ký được ban tổ chức giải quyết bằng cách sẽ giải đáp và gửi qua đường văn bản.

Vì sao buổi đối thoại nào do Bộ Tài chính tổ chức cũng thu hút hàng trăm DN tham gia và rất đông DN ngồi đến giờ cuối?

Trên thực tế, cũng như TP HCM, ngành thuế và hải quan các địa phương đều có tổ chức các buổi đối thoại với DN theo định kỳ nhưng theo thẩm quyền, có nhiều vấn đề họ không thể trả lời mà phải gửi công văn xin ý kiến các bộ. Như trường hợp Công ty CP Khoai mì Tây Ninh, thuế GTGT năm 2015 quy định cho mặt hàng mạch nha công ty sản xuất là 15% nhưng khi bán hàng cho đối tác thì Cục Thuế tỉnh Đồng Nai áp 15%, còn cục thuế các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh lại áp 10% khiến khách hàng nói rằng DN không thống nhất! Rốt cuộc, công ty phải mang vụ việc từ Tây Ninh lên TP HCM để hỏi Bộ Tài chính tại buổi đối thoại.

Điều này cho thấy thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan dù đã, đang được đơn giản hóa theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nhưng vướng mắc DN gặp phải vẫn còn không ít.

Linh Anh

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo