Ngày 26-2, tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 để đối thoại với các địa phương và doanh nghiệp (DN) phía Nam.
Giúp doanh nghiệp phòng tránh rủi ro
Trao đổi tại hội nghị, các địa phương và DN ghi nhận sự hỗ trợ tích cực của các tham tán thông qua hoạt động chia sẻ thông tin trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam cho biết năm 2017, lần đầu tiên, Cần Thơ nhận được thông tin thị trường từ một số tham tán, trung bình 3 email/tuần. Tham tán tại các nước như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Malaysia, Lào... hỗ trợ rất tốt cho Cần Thơ trong hoạt động xúc tiến thương mại. Qua đó, DN ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu mới cũng như hợp đồng ghi nhớ hợp tác.
Theo ông Hoài Nam, các tỉnh thành phía Nam mặc dù đã cố gắng đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu nhưng gạo, rau củ, thủy sản... vẫn là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. DN cần biết chính sách nhập khẩu của các thị trường cũng như quy định về rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá, cảnh báo nguy cơ trong giao dịch xuất nhập khẩu... Những thông tin này nếu được cung cấp đầy đủ, kịp thời sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN trong việc tiếp cận thị trường, bán hàng và phòng tránh rủi ro trong giao dịch.
Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 Ảnh: Tấn Thạnh
Dẫn chứng DN ở Cà Mau do thiếu thông tin chính xác về đối tác nhập khẩu nên gặp khó khăn trong thanh toán, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kiến nghị các thương vụ tiếp tục quan tâm thông tin kịp thời, đầy đủ cho DN về thương mại, nhu cầu thị trường, rào cản kỹ thuật và những dự báo chính sách.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với tham tán tổ chức tập huấn chuyên sâu cho công chức cơ quan quản lý nhà nước, DN về các thị trường trọng điểm cũng như thị trường ngách, giúp DN tiếp cận tốt hơn. Theo ông Hòa, TP HCM đang tích cực chuẩn bị đưa ra giải pháp xây dựng thành phố đặc thù, đặc biệt là kêu gọi dòng vốn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, tham gia xử lý rác thải, quy hoạch phát triển hệ thống logistics... nên rất mong các tham tán hỗ trợ thành phố kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực này.
Chưa tận dụng được các ưu đãi
Lý giải một số bất cập trong việc tiếp cận, làm ăn với thị trường nước ngoài, một số tham tán thương mại cho rằng nguyên nhân một phần do các DN Việt còn khá bị động và chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường cũng như chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu chưa hợp lý. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc, nhìn nhận chính sách thương mại và thuế của Úc khá minh bạch. Các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn sản phẩm... rất chặt chẽ. Nhiều DN vẫn chưa nắm hoặc chưa cập nhật các quy định nhập khẩu hàng hóa và quy định về kiểm dịch đối với hàng nhập khẩu vào Úc.
Riêng năm 2017, có đến 39 trường hợp hàng Việt Nam vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm của Úc. Dù hiệp định thương mại tự do ASEAN - Úc (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 nhưng DN trong nước vẫn còn khá lúng túng trong việc tìm hiểu, vận dụng nội dung hiệp định, các cam kết, ưu đãi mà hàng Việt Nam được hưởng. Bà Thúy đánh giá hàng Việt Nam tại Úc còn rất mờ nhạt do DN Việt chưa quan tâm đầu tư phát triển thương hiệu mà chủ yếu xuất thô và sơ chế.
Theo bà Thúy, DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường, ưu đãi qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), hướng tới sản xuất sạch, chất lượng cao, kiểm soát tốt sản xuất để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của nước nhập khẩu, rút ngắn thời gian sản xuất, giảm giá thành. DN cũng cần có chiến lược dài hạn, phù hợp để thâm nhập thị trường. Chẳng hạn cá ba sa Việt Nam thâm nhập thị trường ồ ạt, sản lượng cao nhưng giá rẻ. Cá thác lác của Cần Thơ đang tìm đường xuất ngoại thì tránh lặp lại tình trạng này, cần thuê tư vấn, tiếp cận thị trường từ kênh nhà hàng để xác lập giá bán cao ngay từ đầu.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán công sứ Việt Nam tại EU và Vương quốc Bỉ, cảnh báo nguy cơ tranh chấp thương mại và lừa đảo qua mạng đang gia tăng nên DN phải hết sức cảnh giác. Nếu nhận được email "không ổn" nên liên hệ thương vụ để xác minh nhằm hạn chế rủi ro, thiệt hại.
Cần xem xét lại chính sách đối với tham tán
Theo các DN, tham tán thương mại đã đóng góp thầm lặng vào thành công chung của xuất khẩu cả nước và là người tiếp lửa cho DN. Hiện nhân sự của các tham tán rất mỏng, lại thường xuyên điều chuyển nên không đủ thời gian tìm hiểu, thâm nhập sâu thị trường để hỗ trợ tốt nhất cho DN. Vì vậy, Bộ Công Thương cần xem xét lại chính sách đối với tham tán. Song song đó, Bộ Công Thương nên tổ chức tọa đàm giữa tham tán ở những thị trường có kim ngạch xuất khẩu lớn với DN để có thông tin cụ thể, kịp thời.
Bình luận (0)