Nhiều năm trở lại đây, hình ảnh hàng dài người đứng nhiều giờ chờ đến lượt mua vàng trong ngày vía Thần Tài đã trở nên quen thuộc. Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh vàng được dịp tăng giá mạnh thì người dân vẫn xếp hàng mua vào.
Chỉ "nhà vàng" được lợi
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cười sảng khoái nói “mua làm gì" khi được hỏi “có đi mua vàng trong ngày Thần Tài không”.
Chia sẻ góc nhìn của mình với Zing.vn, ông Toại cho rằng những người thật sự gặp Thần Tài trong ngày này chính là cửa hàng, đơn vị kinh doanh vàng.
“Trước đây không có trào lưu xếp hàng mua vàng như thế này, rộ lên khoảng vài năm gần đây mà chủ yếu ở Hà Nội. Chính sự tín ngưỡng, tâm linh này cũng là cơ sở để các dịch vụ kinh doanh phát triển, đâu chỉ mỗi vàng”, ông bày tỏ.
Theo góc nhìn của ông, chuyện người dân đổ xô đi mua vàng để lấy may như thế, bên cạnh tâm linh, còn là xu hướng đám đông và cho rằng ngày Vía Thần Tài quan trọng với doanh nhân là không có cơ sở.
Người dân sẵn sàng đội mưa từ 4-5h sáng để được vào mua vàng trong ngày Vía Thần Tài. Ảnh: Việt Hùng.
Ngày Vía Thần Tài, theo ông, chính là công cụ kích cầu của các đơn vị kinh doanh vàng.
“Người ta kết luận ngày này quan trọng với doanh nhân, có thể là từ nhà sản xuất, kinh doanh vàng. Ngày này cũng giống như Valentine, trước đây không rầm rộ hay thành trào lưu mà giờ thì sôi động rồi dịch vụ ăn theo xuất hiện”, ông chia sẻ.
Chia sẻ trên trang cá nhân, doanh nhân Đoàn Hiếu Minh - Chủ tịch Công ty Regal Motor Car - chia sẻ trong ngày Vía Thần Tài: “Hôm nay có bác nào không chịu được cảnh xếp hàng mua vàng thì mời sang em nhé. Mua vàng bên em xong, bước ra đường là cả Hà Nội biết Thần Tài gõ cửa nhà bác. Ứng nghiệm lắm”. Chia sẻ này được cho là đã thể hiện quan điểm của ông về câu chuyện người dân xếp hàng mua vàng.
Dân đổ xô đi mua vì tâm lý cầu may mắn
Trao đổi với Zing.vn, không ít doanh nhân, chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân chủ yếu của việc người dân sẵn sàng xếp hàng nhiều giờ và chấp nhận mua vàng giá cao hơn ngày thường là văn hóa từ xưa và tâm lý cầu may mắn.
TS. Võ Trí Thành cho biết ngày Vía Thần Tài đã thành truyền thống văn hóa hàng năm, cứ đến ngày này là người dân đi mua vàng. Vì đa số người dân chỉ mua với số lượng nhỏ nên đắt hơn 100.000-200.000 đồng cũng không phải vấn đề, và người dân cũng không quan tâm tới chuyện giá cả trong việc cầu may mắn.
Cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch cho rằng việc người dân xếp hàng này ảnh hưởng nhiều bởi vấn đề tâm linh.
“Cũng giống như việc đi chùa thì những ngày này đắt, rẻ một chút cũng không quan trọng. Việc này không nên đặt nặng vấn đề kinh doanh, đây là cơ hội của các doanh nghiệp đánh vào tâm lý người mua. Ngày mai thị trường sẽ trở lại bình thường thôi”, vị chuyên gia cho biết.
Nhu cầu người mua tăng mạnh là cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp vàng. Ảnh: Tùng Tin.
Còn theo TS. LS Bùi Quang Tín, ngày Vía Thần Tài mang rất nhiều ý nghĩa từ yếu tố văn hóa xa xưa, cầu may mắn cho tới giới kinh doanh ngày đầu năm có tiền thì hy vọng những ngày sau đó sẽ có nhiều tiền hơn.
“Hơn bao giờ hết, người dân mình rất thích vàng, nhiều người cứ có tiền là mua vàng, mua đất, mua chứng khoán… nhưng vàng từ xưa vẫn nằm trong suy nghĩ là một thứ quý giá”, ông Tín cho hay.
'Không ai ép buộc ai'
Theo TS. Võ Trí Thành, việc các doanh nghiệp kinh doanh vàng giảm giá chiều mua tăng giá bán ngày này do nhu cầu mua tăng mạnh của người dân. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giá vàng mua vào bán ra hiện nay hoàn toàn do thị trường điều tiết.
“Nghị định 24 chỉ quản lý vàng miếng, còn vàng trang sức thì tự do hơn. Tuy nhiên cũng có một số điều ảnh hưởng như Nhà nước độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng, đây là một vấn đề có thể điều chỉnh”, vị chuyên gia cho biết.
Bên cạnh đó, ông Thành cho biết việc giá bán vàng tại các đơn vị có chênh lệch lớn cũng tuân theo quy luật cạnh tranh của thị trường, uy tín chất lượng và cả từ phía người mua.
“Cũng giống như mang tiền đi gửi ngân hàng, ngân hàng lớn thì lãi suất thấp và ngược lại chủ yếu vẫn là yếu tố cạnh tranh”, ông Thành khẳng định.
TS. Trần Du Lịch cho rằng đây là yếu tố cơ hội của thị trường cũng giống như ngày 8/3, 20/10… thì người bán hoa sẽ có lợi. “Trong chuyện này, không ai ép buộc ai, doanh nghiệp cũng không ép người dân phải mua. Giá vàng tăng trong những ngày này nhưng được người dân chấp nhận thì không nên can thiệp vào”, ông Lịch cho biết.
TS. Bùi Quang Tín cũng cho biết thực tế hiện nay Nhà nước không quản lý về việc giá mua vào và bán ra của các doanh nghiệp vàng mà tuân theo cung cầu thị trường.
Dù phải xếp hàng đợi rất lâu để mua vàng với giá đắt hơn ngày thường nhưng người dân vẫn vui vẻ chấp nhận. Ảnh: Việt Hùng.
“Bản chất của quan hệ kinh tế là khi cầu lớn hơn cung là giá sẽ tăng, dĩ nhiên các doanh nghiệp vàng sẽ là phía được lợi nhất, nhưng người dân vui vẻ và chấp nhận điều này”, ông Tín cho hay.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết chỉ mua số lượng nhỏ nên dù giá vàng có đắt thêm vài trăm nghìn đồng mà được may mắn thì vẫn sẵn sàng xếp hàng.
“Xếp hàng mua vàng đông thì mình cũng hy vọng trong năm mới hoạt động kinh doanh cũng đông khách. Giá vàng có đắt hơn đôi chút cũng không sao vì mình mua để lấy may chứ không đầu tư gì”, chị Nguyễn Thị Lan, một người kinh doanh online cho biết.
Đại diện một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn đều cho biết doanh số bán ra năm nay tăng tương đối so với năm trước.
Vì lý do kinh doanh và cạnh tranh nên không thể tiết lộ con số cụ thể, nhưng một đơn vị cho hay bình quân lượng vàng bán ra đã tăng trên 20% so với ngày Vía Thần Tài năm 2017.
Thậm chí, ước tính của một số công ty vàng, số lượng khách mua vàng trong ngày hôm nay đã tăng trên 30% do ngày Vía Thần Tài năm nay rơi vào dịp cuối tuần nên lượng khách mua cũng như đến tham quan tăng mạnh.
Bình luận (0)