Tại hội nghị phổ biến quy định về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu do Cục bảo vệ Thực vật tổ chức tại TP HCM ngày 20-2, nhiều doanh nghiệp (DN) phan phiền về việc kiểm dịch thực vật (KDTV) gây khó khăn, kéo dài thời gian, phát sinh thêm chi phí.
Cụ thể, các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến hạt điều xuất khẩu than phiền KDTV gặp quá nhiều khó khăn. Trước đây, nguyên liệu nhập khẩu được phép đưa về kho của DN, sau đó cơ quan KDTV đến kiểm tra, lấy mẫu kiểm dịch. Nhưng hiện nay, nguyên liệu nhập khẩu phải lưu container tại cảng để chờ kiểm dịch. Thời gian chờ kiểm dịch mất đến vài ngày, chưa kể DN phải tốn thêm tiền (khoảng 500.000-600.000 đồng/container) để di chuyển container từ bãi trung tâm sang bãi kiểm dịch. Do đó, DN đề nghị được kiểm tra tại kho như trước đây.
Vấn đề này được ông Hoàng Trung, Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, giải thích là trước đây phát hiện một số đối tượng gây nguy hiểm nên phải thay đổi phương thức kiểm tra tại cảng. Hàng hóa của DN kiểm tra vài lần nếu không phát hiện vấn đề gì thì cơ quan KDTV sẽ xem xét cho DN mang về kho.
Các DN xuất khẩu rau quả cũng nêu vướng mắc khi xuất thanh long sang châu Âu bị yêu cầu phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng không biết cơ quan nào của Việt Nam cấp. Vấn đề này được Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết là đã giao cho các chi cục vùng có trách nhiệm tiếp nhận và triển khai kiểm tra cũng như cấp giấy chứng nhận cho DN.
Cũng tại hội nghị, Cục bảo vệ Thực vật thông tin các thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam (bao gồm cả Trung Quốc) đang tăng cường kiểm soát nhập khẩu qua diện biên mậu. Họ yêu cầu các lô hàng phải được cơ quan KDTV Việt Nam kiểm tra, cấp giấy chứng nhận KDTV. Đối với gạo, cám gạo bắt buộc phải thực hiện việc quản lý theo chuỗi từ quá trình sản xuất đến xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc.
Khá đông doanh nghiệp tham dự hội nghị về kiểm dịch thực vật
Ông Lâm Thành Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản Vinacam, nêu vấn đề xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc họ đòi truy xuất nguồn gốc, xử lý côn trùng sống, khử trùng…. Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra tình trạng xuất khẩu gạo ủy thác không bảo đảm yêu cầu làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp (Có 3 DN xuất khẩu gạo bị phía Trung Quốc không chấp nhận vì vi phạm). Việc kiểm dịch của cơ quan các vùng cũng chưa được thống nhất với nhau, gây khó khăn cho DN.
Ông Nguyễn Văn Bảo, đại diện Dalat Hasfarm, cũng nêu việc nộp hồ sơ xin mở rộng thị trường tại New Zealand gặp khó khăn cũng như "nhờ’ cơ quan chức năng hỗ trợ quảng bá hình ảnh DN ra nước ngoài.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các DN tạo chuỗi liên kết với nông dân, địa phương, ban ngành để nông sản xuất khẩu tốt hơn. Đồng thời, yêu cầu Cục Bảo vệ Thực vật phải quan tâm hơn nữa, liên tục cập nhật, nhất là các quy định mới của các nước về hàng hóa nông sản. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho các DN và nên có sổ tay hướng dẫn cụ thể về KDTV cho DN.
Bình luận (0)