Nổi cộm thông tin mới đây được giới đầu tư quan tâm là việc HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) công bố nghị quyết về nợ trái phiếu cũng như thông qua việc bán tài sản để trả nợ.
Theo đó, HAGL sẽ thanh lý Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số TP Pleiku tỉnh Gia Lai để thanh toán một phần nợ trái phiếu HAGL năm 2016 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Theo thông tin HAGL công bố gần đây, lũy kế tại thời điểm 30-9-2023, công ty ước tính chậm thanh toán lãi và gốc lũy kế của trái phiếu mã HAGLBOND16.26 lên tới 4.027,59 tỉ đồng.
Trước HAGL, Công ty CP Đầu tư LDG (mã chứng khoán LDG) cũng có quyết định về việc tái cơ cấu tài sản, dự án của công ty để trả các khoản nợ trái phiếu, khoản nợ ngân hàng, đảm bảo nguồn tài chính để phát triển dự án.
Các dự án mà LDG dự định tái cơ cấu gồm Khu du lịch biển Bãi Bụt – Sơn Trà (Đà Nẵng) và dự án Khu chung cư lô C1 xây dựng tại phường Bình An, TP Dĩ An, Bình Dương và các tài sản, dự án khác thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư LDG. Đáng chú ý, dự án Bãi Bụt - Sơn Trà có quy mô đến 29 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.600 tỉ đồng ở vị trí đắc địa và từng được LDG coi là một trong những dự án chiến lược.
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại Pleiku - Gia Lai
Theo ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT LDG khẳng định thị trường bất động sản khó khăn, việc hợp tác không dễ dàng. Thời gian qua, lãnh đạo công ty cũng phải bán tài sản cá nhân để giữ công ty.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, LDG đang có khoản nợ quá hạn hơn 56 tỉ đồng gồm 22,55 tỉ đồng lãi trái phiếu của lô trái phiếu LDGH2123002; 33,96 tỉ đồng gốc và lãi vay ngân hàng; và một số các khoản nợ đến hạn hoặc sắp đến hạn.
Hay mới đây, Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán: HPX) đã công bố bán lại phần góp vốn của công ty tại Dự án Trung tâm thương mại 1 thuộc dự án Khu dân cư Cồn Tân Lập (TP Nha Trang).
Dự án phức hợp này gồm có 3 tầng thương mại, 10 tầng khách sạn và 2 tầng căn hộ… Ngoài ra, Hải Phát cũng có kế hoạch bán sỉ dự án tại Lào Cai, Bắc Giang, Quảng Ninh để xử lý nợ…
Báo cáo gần nhất của các công ty chứng khoán cho thấy trong nửa năm 2023 và năm 2024 có khoảng 190.000 tỉ đồng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phải đáo hạn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thừa nhận các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang rất khó khăn. Chỉ có 23% doanh nghiệp có thể cầm cự qua hết năm 2023 nếu không có chính sách điều hành vĩ mô nào tác động tích cực cho ngành này. Việc sử dụng đòn bẫy tài tính cao, khi gặp khó khăn thì khó chồng khó, khiến nhiều doanh nghiệp căng thẳng nên phải bán tài sản…
Trong báo cáo về ngành bất động sản gần đây, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá khó khăn lớn nhất của thị trường đã qua, tuy nhiên những thách thức vẫn còn và thị trường kỳ vọng ấm dần lên vào nửa cuối 2024.
Theo VNDirect, vấn đề thanh khoản của doanh nghiệp bất động sản vẫn đáng lo ngại khi nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trả lãi và gốc trái phiếu do những khó khăn ở các kênh tái cấp vốn, cùng với việc doanh số ký bán giảm mạnh bởi tâm lý thị trường.
Bình luận (0)