Trong khi còn giãn cách, mọi việc đều gặp không ít khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đã triển khai khá chi tiết hoạt động trong những ngày tới.
Tín hiệu tích cực từ thị trường
Dẫn chứng chuỗi cửa hàng Phúc Long gần như nghẽn mạng trong ngày đầu tiên TP HCM cho phép các cửa hàng bán đồ ăn, thức uống mang về hoạt động trở lại, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, tin tưởng sức mua thị trường sẽ bùng nổ trong những ngày tới.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường .Ảnh: THANH NHÂN
Ông Viên phân tích sau thời gian dài ở nhà, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu thiết lập cuộc sống bình thường trở lại. Theo đó, mua sắm, tiêu dùng sẽ bùng nổ sau thời gian bị dồn nén. "Dự báo, sau khi TP cho phép các ngành thương mại, dịch vụ tái hoạt động, người dân có "thẻ xanh" được đi lại thì sức mua sẽ tăng mạnh so với hiện tại. Cách đây hơn 1 tuần, chúng tôi đã bán hàng trở lại, kết quả lượng đặt hàng lẫn giá trị đơn hàng đều cao" - ông Viên nêu thực tế cho dự đoán thị trường nội địa sẽ sớm khởi động lại với sức tăng trưởng đột phá trong những ngày tới.
Theo ông chủ Vinamit, ngoài niềm vui, tái mở cửa nền kinh tế còn là nỗi lo bởi hầu hết DN đang đối mặt nhiều trở ngại. "Ngoài việc tổ chức sản xuất để sớm nắm bắt lại thị trường, chúng tôi còn phải hoàn tất các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 10. Đơn hàng mùa Tết cũng đang dồn về nên bằng mọi cách phải khởi động lại toàn bộ nhà máy sản xuất trong điều kiện không thuận lợi như trước" - ông Viên nói.
Thông báo tin vui là doanh thu công ty tăng trưởng dương trong 9 tháng đầu năm nay, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Sài Gòn 3, cho biết công ty đang ráo riết chuẩn bị để tăng tốc bù đắp cho khoảng thời gian ngưng trệ vì Covid-19. "Nếu không bùng phát dịch, doanh thu công ty có thể tăng đến 20%-30% chứ không chỉ vài % như hiện giờ. Đầu năm, DN ngành dệt may lạc quan năm nay sẽ có nhiều thuận lợi vì kinh tế thế giới phục hồi, đơn hàng dồi dào nên đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị, tuyển thêm lao động... Mọi việc thuận lợi cho đến khi dịch bùng phát dữ dội gây ra nhiều thiệt hại" - ông Hồng nhìn nhận.
Để giữ nhịp sản xuất, thời gian qua, Công ty CP May Sài Gòn 3 phải thường xuyên liên lạc với khách hàng, kiểm tra tiến độ giao hàng và ưu tiên thực hiện những đơn hàng phải xuất ngay. Trong tháng 9, công ty đã tái khởi động bằng cách tổ chức cho một bộ phận công nhân thực hiện "3 tại chỗ" để hoàn tất những đơn hàng xuất khẩu dang dở, đồng thời phát triển mẫu mã, kết nối trực tiếp với nhà cung cấp, chuẩn bị trước các khâu để khi TP tái mở cửa là có thể tăng tốc ngay.
"May Sài Gòn 3 đang tập trung lực lượng. Khoảng 60% công nhân đã tiêm 2 mũi vắc-xin, 30% công nhân đã tiêm 1 mũi nên có điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi 100% công suất. Dù vậy, trước mắt vẫn còn nhiều thách thức nên DN tiếp tục theo dõi, nghiên cứu thị trường để có những giải pháp phù hợp" - ông Hồng nhận định.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, cũng tin tưởng tình hình của DN sẽ tốt lên trong thời gian tới. "Hiện Mỹ Lan có 3 dòng sản phẩm. Trong đó, sản phẩm xuất khẩu không bị ảnh hưởng nhiều. Sản phẩm tiêu thụ trong nước thì 4 tháng nay hầu như không có doanh thu, còn dòng sản phẩm cung cấp cho ngành thực phẩm tươi thì phát triển nhanh" - ông Mỹ cho hay.
Cơ hội khai thác chỗ trống thị trường
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cỏ May, cho rằng trong khó khăn chung, DN nào cố gắng duy trì sản xuất, giữ mối quan hệ với khách hàng và nỗ lực trong giao nhận hàng... sẽ có cơ hội tốt hơn. "Trong giai đoạn cung ứng thực phẩm căng thẳng vì giãn cách, mặt hàng cá tra đã lấp được vào khoảng trống thị trường nhờ 3 yếu tố ngon - bổ - rẻ, người tiêu dùng cũng chịu dùng thực phẩm đông lạnh hơn.
Thời điểm đó, nhiều DN đã giải quyết được lượng cá tra xuất khẩu tồn đọng và cũng là cơ hội để người tiêu dùng trong nước thử qua mặt hàng này và tiếp tục sử dụng về sau. Sau Covid-19 cũng sẽ có những DN không trụ được, thương trường sẽ có khoảng trống cho những DN còn lại. Điều tôi quan tâm là cần có một sàn giao dịch cá tra uy tín để sản phẩm kém chất lượng không ra thị trường, người tiêu dùng không quay lưng với hàng trong nước" - ông Thiện đề xuất.
Cũng theo ông Thiện, khi thiết lập bình thường mới, người tiêu dùng sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn, ưu tiên cho những sản phẩm thiết yếu, giá bình dân nên nhiều loại nông thủy sản ở nhóm này, trong đó có cá tra, sẽ có cơ hội lớn. Tuy nhiên, sự phục hồi của DN phụ thuộc vào sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của Chính phủ vì sức chịu đựng của DN có giới hạn, khi giới hạn này bị vượt qua sẽ không trở lại như trước được.
Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Hải sản Hoàng Gia, nhìn nhận trong khó khăn luôn có cơ hội cho DN năng động, chủ động thích ứng. "Hệ thống bán lẻ hải sản Hoàng Gia đã chuẩn bị hạ tầng cho việc bán hàng online từ sớm nên không bị động trong khâu tiêu thụ thời gian qua.
Chúng tôi còn đầu tư vào mô hình "bếp trên mây" - nhà hàng chuyên phục vụ khách mang đi. Điều này giúp DN tiết kiệm chi phí, có giá bán tốt hơn cho người tiêu dùng so với mô hình nhà hàng truyền thống khi bán hàng mang đi. Trong những tháng tới, xu hướng phục vụ bữa ăn tại nhà vẫn còn tiếp tục, là cơ hội cho những DN đã có sự chuẩn bị bài bản" - ông Trường dự báo.
Đón đầu xu hướng thắt chặt chi tiêu
Trong thời gian cao điểm dịch bệnh, giao hàng khó khăn, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới dựa trên nền tảng là nước mắm truyền thống. Ông Lê Anh, giám đốc DN này, nhận định khi mở cửa trở lại, một bộ phận người dân cũng sẽ tiếp tục nấu ăn tại nhà thay vì ăn uống ngoài gia đình như trước đây.
"Chúng tôi phát triển các loại gia vị hoàn chỉnh, tiện lợi để nấu các món quen thuộc như gia vị bún bò, xốt kho thịt, kho cá, bột nêm hải sản để người nội trợ có thể nấu ăn nhanh, không cần chuẩn bị nhiều nguyên liệu hay đo đếm số lượng sao cho đúng vị. Các sản phẩm cũ, DN cũng cho ra mắt loại có kích cỡ nhỏ hơn để có giá phù hợp với túi tiền thắt chặt của người tiêu dùng" - ông Lê Anh giới thiệu.
Theo ông Lê Anh, cộng đồng DN vừa và nhỏ mong muốn nhà nước có lộ trình cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất, kinh doanh khi bình thường trở lại.
Bình luận (0)