xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp lo vì tăng thuế

CHÂU THY

Giá thành sản phẩm bị đội lên do tăng thuế có thể dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng phát triển

Ngày 13-9, tại TP HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp (DN) về đề xuất xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế.

Tăng mạnh chi phí sản xuất

Tại hội thảo, trong 5 luật thuế (GTGT, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tài nguyên) do Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung thì việc tăng thuế suất GTGT lên 5%, 6% và 12%; thuế TTĐB của một số hàng hóa lên 10%, đối tượng phải chịu thuế… được các DN và chuyên gia tài chính quan tâm.

Doanh nghiệp lo vì tăng thuế - Ảnh 1.

Thuế GTGT tăng sẽ làm giá nhiều mặt hàng tăng theo Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đại diện Hiệp hội Xuất khẩu tỉnh Đồng Nai, nhận định Bộ Tài chính đề xuất một số hàng hóa từ không chịu thuế GTGT sẽ phải chịu thuế GTGT 5% làm cho nhiều DN mua máy móc, thiết bị, đầu tư nhà xưởng tốn kém một khoản tiền rất lớn. Mặt khác, do Chính phủ đã có quyết định đến năm 2020 sẽ áp dụng một mức thuế suất nên khi thuế GTGT của phần lớn hàng hóa, dịch vụ từ 10% lên 12%, DN lo ngại có thể làm tiền đề cho các hàng hóa, dịch vụ hiện không chịu thuế hoặc chịu thuế GTGT 5%-6% sẽ chịu thuế suất 12% trong vài năm tới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, dự báo nếu đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính được thông qua sẽ tác động mạnh đến hoạt động các DN, đặc biệt ngành nước giải khát sẽ phải chịu thêm chi phí, trong đó thuế GTGT từ 10% lên 12%, thuế TTĐB đối với nước ngọt 10% mà trước đây không phải chịu thuế, thuế GTGT áp dụng cho đường tăng từ 5% lên 6%.

Theo ông Vỵ, nếu Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế được ban hành, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12%, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng do thuế suất GTGT áp dụng cho đường tăng. Tất cả yếu tố này sẽ gây ra những hệ lụy như tăng giá thành sản phẩm; giảm khả năng tiêu thụ sản phẩm; giảm doanh thu, có thể kéo theo giảm quy mô sản xuất, giảm lao động... Ngoài ra, giá thành sản phẩm bị đội lên từ thuế có thể dẫn đến cơ hội cho hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng phát triển. Từ đó, nhà nước phải tiêu tốn thêm chi phí cho việc chống hàng lậu, hàng giả…

Cần công bằng

Bộ Tài chính cho biết cơ sở để áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt là cơ cấu lại thuế nhằm tăng thu ngân sách, phù hợp với xu hướng quốc tế, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cụ thể là tình trạng béo phì và bệnh đái tháo đường.

Ông Vỵ thắc mắc Bộ Tài chính chưa có số liệu chứng minh cụ thể là nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, nhà nước sẽ thu được bao nhiêu? Còn việc tăng thuế để hạn chế sản xuất và sử dụng nước ngọt nhằm giảm béo phì và bệnh đái tháo đường thì cần chứng minh một cách khoa học liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra 2 căn bệnh này không? Nếu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt, có giảm được tỉ lệ béo phì và bệnh đái tháo đường hay không?

Nhiều ý kiến khác nhận xét có sự phân biệt đối xử giữa đồ uống và các thực phẩm có vị ngọt hoặc chứa đường. Nếu Bộ Tài chính quan tâm đến sức khỏe của người dân về nạn béo phì và bệnh đái tháo đường thì cần áp thuế TTĐB đối với tất cả thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra 2 bệnh này. "Rất nhiều loại thực phẩm có hàm lượng đường cao hơn nước ngọt nhưng chỉ đề xuất áp thuế TTĐB đối với nước ngọt là chưa công bằng. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Bộ Tài chính chưa áp thuế TTĐB đối với nước ngọt" - đại diện một DN nước giải khát đề xuất.

Ông Vỵ đề nghị trong trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính xem xét đưa ra lộ trình áp thuế TTĐB từ 1% đến 3% đối với tất cả hàng hóa thực phẩm có chứa đường; hoặc chỉ áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có hàm lượng đường cao, đồng thời bỏ đồ uống thể thao ra khỏi danh mục chịu thuế vì hàm lượng đường cùng với khoáng chất và vitamin trong đồ uống thể thao giúp cho người dùng thay thế nước, chất điện giải, bổ sung năng lượng trước và sau khi tập luyện. 

Gánh nặng cho nông dân

Theo ThS Trần Minh Hiệp, giảng viên Tổ Tài chính - Thuế - Ngân hàng Khoa Luật Thương mại Trường ĐH Luật TP HCM, thuế GTGT tương ứng từ 5%, 10% lên 6%, 12% là không phù hợp trong điều kiện hiện nay. Bởi thuế GTGT điều tiết tất cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn cho người chịu thuế. Theo đó, tỉ trọng tiền thuế trên thu nhập của người nghèo cao hơn tỉ trọng tiền thuế trên thu nhập của người giàu. Vì vậy, việc tăng thuế GTGT được áp dụng chung cho tất cả tổ chức, cá nhân khi sử dụng cùng một loại hàng hóa, dịch vụ khi thu nhập của họ khác nhau là không hợp lý.

Ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường, nhìn nhận hoạt động của ngành mía đường hiện rất khó khăn, nhất là nông dân trồng mía. Nhiều năm trước, chúng tôi đã đề xuất giảm thuế GTGT đối với đường từ 5% xuống 0% để hỗ trợ nông dân nhưng không được chấp nhận. Nay Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT mặt hàng này từ 5% lên 6% sẽ làm cho người trồng mía thêm khó khăn.

Đại diện của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho rằng việc tăng thuế GTGT có thể tác động tiêu cực đến ngành sản xuất, thị trường phân bón và cuối cùng là nông dân phải gánh chịu do giá phân bón tăng. Tất cả những hiệu ứng tiêu cực này không phù hợp với chủ trương phát triển và hỗ trợ nông nghiệp của nhà nước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo