TS Vũ Đình Ánh cho biết với những thông tin của Bộ Tài chính đưa ra trong quá trình lấy ý kiến vẫn chưa đủ cơ sở để nhận xét đề xuất tăng thuế GTGT từ 10% lên 12%, thuế suất thuế ưu đãi từ 5% lên 6% phù hợp hay không. Theo chuyên gia này, chính sách thuế có nhiều cách chứ không chỉ điều chỉnh thuế suất, nhất là với sắc thuế rộng như thuế GTGT.
Cuộc sống những người có thu nhập thấp sẽ khó khăn hơn khi thuế GTGT tăng - Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Lựa chọn đầu tiên là mở rộng đối tượng chịu thuế. Tăng thuế suất là lựa chọn cuối cùng. Khi ban hành văn bản pháp luật dưới dạng luật thì phải có đánh giá tác động. Trong đó, cần đánh giá tác động từng nhóm đối tượng và tới ngân sách... Riêng đối với thuế GTGT, trước tiên phải "bám" theo chức năng của thuế GTGT, đánh giá tác động của việc điều chỉnh này tới các hộ gia đình, tới ngành nghề kinh doanh, cán cân thanh toán, thương mại và cả năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN)...
Sau đó mới đánh giá tác động tới quy mô ngân sách vì thuế GTGT đóng góp gần 30% thuế phí vào ngân sách nhà nước. "Tăng thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 12% sẽ rất nhạy cảm, việc đánh giá người thu nhập thấp có tác động hay không phải có số liệu chứng minh xem tác động bao nhiêu chứ không nói khơi khơi được. Chúng ta phải đưa ra được căn cứ, lý do tại sao tăng và thời điểm tăng khi nào phù hợp" - ông Ánh nhấn mạnh.
Đánh giá về tác động của việc tăng thuế GTGT đến đời sống người dân và DN, ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), nguyên Trưởng Cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO - cho rằng chính phủ hiệu quả là chính phủ càng thu ít càng tốt, cực chẳng đã mới phải tăng thuế. Bởi tăng thuế không hẳn đã tạo ra nguồn thu tốt, có những thời điểm giảm thuế lại tăng nguồn thu ở những lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Việc tăng thuế cần nhìn nhận khách quan và không nên tạo cú sốc cho cộng đồng. Mặc dù thuế GTGT đánh vào người tiêu dùng, còn DN chỉ là người thu hộ nhưng tăng thuế GTGT vẫn tác động đến DN vì sức mua hàng hóa giảm. Trong điều kiện bắt buộc phải sửa luật thuế thì phải làm nhưng cần bảo đảm sự minh bạch và phải tạo được niềm tin với dân.
Theo ông Đào Minh Giám, thuế GTGT đang tập trung vào hàng hóa tiêu dùng nên dễ thu nhưng với một xã hội phát triển cần hướng đến tỉ trọng thu trong dịch vụ cao hơn. Vì người thu nhập thấp tiêu dùng chủ yếu là hàng hóa, trong khi nhóm thu nhập cao lại sử dụng chủ yếu là dịch vụ. Cần có chính sách thu hướng đến dịch vụ để tạo nguồn, đồng thời giảm sức ép thu trên hàng hóa.
l Cùng ngày, tại hội thảo giới thiệu về hóa đơn điện tử và nội dung dự kiến sửa chính sách hóa đơn áp dụng từ 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Thuế GTGT, Vụ Chính sách thuế - Tổng cục Thuế, cho biết từ năm 2015, Bộ Tài chính đã nghiên cứu mô hình áp dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế từ một số nước trên thế giới. Hình thức cụ thể là người bán gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế để được cấp mã xác thực trước khi chuyển cho người mua. Trong giai đoạn thí điểm, DN được cấp miễn phí một thiết bị để cấp mã xác thực. Hình thức hóa đơn điện tử có mã xác thực được đánh giá là giảm được 3 thủ tục hành chính so với hóa đơn điện tử thông thường và hóa đơn giấy, khắc phục được tình trạng làm giả hóa đơn.
Đánh giá hình thức sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực là cần thiết và cấp thiết, song bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng cần phải đặt ra lộ trình cụ thể. Bởi vì, thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có thêm 500.000 DN để đạt chỉ tiêu 1 triệu DN. Vậy, 500.000 DN nhỏ hoặc siêu nhỏ sắp thành lập thêm liệu có đủ khả năng sử dụng hóa đơn điện tử được hay không? Ngoài ra, cần có sự đồng bộ giữa các cơ quan ngân hàng, hải quan, kiểm toán... thì DN mới có thể thực hiện được.
Nhiều ý kiến cũng góp ý cần làm rõ cơ sở dữ liệu, hạ tầng hiện có đã bảo đảm đủ tốt để đưa hóa đơn điện tử có mã xác nhận vào triển khai chưa. Đồng thời cũng cần đánh giá chi phí tạo lập hóa đơn có lớn không vì phần lớn DN trong nước đều là DN nhỏ và vừa.
Bình luận (0)