Tai hội thảo góp ý cho Dự thảo sửa đổi Luật DN do Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức ở TP HCM ngày 17-9, đại diện bộ này cho biết tính đến hết tháng 8-2013, cả nước có 141.000 DN giải thể và dừng hoạt động. Trong đó, chỉ 22.500 DN có đăng ký tạm ngừng kinh doanh, còn lại 94.500 DN không đăng ký. Đồng thời có đến 86% DN bỏ trốn, mất tích, không thực hiện nghĩa vụ thuế … số DN này cần được thực hiện giải thể, phá sản. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm cả nước có chưa tới 100 DN phá sản, con số này quá thấp so với số DN đang “ chết treo” hiện nay.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Vân, Cục quản lý kinh doanh, Bộ KH-ĐT, việc các DN không tiến hành phá sản, giải thể mà biến mất kéo theo hệ luỵ là một lượng lớn đối tác, chủ nợ, người lao động bị xâm hại quyền lợi. Nhà nước cũng bị treo nợ thuế không thể quyết toán. Song song đó, các thông tin thống kê về DN bị sai lệch ảnh hưởng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh và chính sách của Nhà nước.
Doanh nghiệp thực hiện việc quyết toán thuế. Ảnh: TẤN THẠNH
Thực trạng DN “chết mà không được chôn” đã diễn ra nhiều năm nay, một phần do nguyên nhân từ phía luật DN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể, chế tài chưa đủ răn đe đối với các chủ DN, người đại diện theo pháp luật không chấp hành các qui định về giải thể, phá sản. Hiện không có qui định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân vi phạm nghĩa vụ giải thể DN, chỉ có qui định xử phạt đối với DN không đăng ký tạm ngừng kinh doanh và mức phạt rất thấp, chỉ từ 1-3 triệu đồng.
Ngoài ra, qui định về xử lý DN “treo” còn bất hợp lý, vô tình “giúp” DN không phải mất thời gian, thủ tục phá sản. Chẳng hạn, theo luật qui định, nếu DN không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 6 tháng liên tục hoặc không báo cáo về hoạt động kinh doanh của DN với cơ quan đăng ký kinh doanh trong 12 tháng liên tục sẽ bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh chẳng khác nào tiếp tay cho DN chây ì thủ tục phá sản, giải thể. Thay vì tự mình làm thủ tục phá sản, giải thể rất nhiêu khê rắc rối, DN cứ bỏ lơ, cố tình vi phạm 2 qui định trên sẽ mặc nhiên “được” thu hồi giấy đăng ký kinh doanh.
Theo phản ánh của đại diện Sở KH-ĐT các tỉnh, qui trình giải thể hiện còn nhiều vấn đề cần phải xử lý, đặc biệt là vấn đề liên quan về thuế. DN muốn làm thủ tục giải thể buộc phải hoàn thành nghĩa vụ thuế mới được cơ quan thuế xác nhận vào hồ sơ đăng ký tạm ngừng. Trong khi đó, thực tế là DN đang khó khăn về vốn nên mới phải giải thể, phá sản. Đại diện Sở KH-ĐT tỉnh Gia Lai cho biết tỉnh này có hơn 3.000 DN thì đã có gần 1.000 DN bỏ trốn, mất tích. Một số trường hợp DN không còn có nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh, cố tình vi phạm để cơ quan cấp phép thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, khỏi phải làm thủ tục giải thể.
Do đó, cần có chế tài chặt chẽ hơn đối với những trường hợp DN đã bị xóa giấy phép kinh doanh nhưng không chịu làm thủ tục thu hồi giải thể. Tuy nhiên cũng có trường hợp DN yêu cầu cơ quan thuế thực hiện quyết toán thuế để giải thể, nhưng chờ cả năm vẫn chưa được thực hiện, chưa nói đến các thủ tục khác. Như vậy, một phần vấn đề cũng nằm ở cơ quan thuế.
DN kể khổ
Ở góc độ DN, các DN cho biết qui định về thủ tục giải thể DN theo Luật DN hiện hành rất chung chung, gây khó khăn, lúng túng cho DN khi áp dụng. Luật qui định trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ, người đại diện theo pháp luật của DN phải gửi hồ sơ giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Đồng thời qui định thời hạn thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có quyết định giải là bất khả thi đối với DN tự nguyện giải thể. Vì trên thực tế, dù DN không còn và không có bất kỳ khoản nợ nào, nhưng để thanh lý hết tài sàn cũng như nhận được xác nhận hoàn tất nghĩa vụ với cơ quan thuế theo yêu cầu của bộ hồ sơ giải thể là một chặng đường hết sức gian lao và mất nhiều thời gian, nhất là các DN hoạt động trong thời gian dài và có nhiều tài sản, đặc biệt là bất động sản. |
Bình luận (0)