Tại buổi làm việc, đại diện Công ty KBL mong UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép tạm thời 50 ha đất để tiến hành sản xuất khảo nghiệm trồng dâu, lai tạo giống tằm biến đổi gien Bombyx Mori với giống tằm hiện có ở tỉnh Quảng Nam.
Theo đại diện Công ty KBL, giống tằm này đã được Cục Kiểm định Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ chứng nhận an toàn; Công ty KBL đã đăng ký làm việc với các bộ - ngành cùng đại diện Cục Kiểm định Nông nghiệp Mỹ tại Việt Nam vào hôm nay (5-7) để xin nhập khẩu vào Việt Nam và triển khai khảo nghiệm lai tạo giống, sản xuất trên diện tích 50 ha dưới sự giám sát của cơ quan chức năng Việt Nam trước khi nuôi trồng đại trà.
Công ty KBL đã liên kết với hợp tác xã phát triển cây dâu ở tỉnh Quảng Nam Ảnh: PHAN XUÂN
Trước đề nghị này của Công ty KBL, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết nếu cơ quan chức năng cho phép nhập khẩu tằm giống vào Việt Nam thì Quảng Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.
Trao đổi với báo chí, ông Jon Rice, Giám đốc Công ty KBL, cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao nghiên cứu về giống tằm. Sau 16 năm nghiên cứu, công ty đã tạo ra giống tằm công nghệ cao có thể cho ra sợi tơ rất bền chặt, mềm, co giãn gấp 5-10 lần sợi thép nên được dùng để chế tạo áo giáp chống đạn hoặc sử dụng trong xây dựng, thời trang, nuôi tế bào gốc để tái tạo xương…
Hiện công ty đã ký kết hợp đồng với quân đội Mỹ cung cấp sợi tơ để phục vụ trong lĩnh vực quốc phòng, một số đối tác lớn cũng đặt vấn đề nhập tơ. "Sự kết hợp giữa giống tằm công nghệ cao ở Mỹ với nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống ở Quảng Nam sẽ tạo ra giống tằm tốt, từ đó cho ra đời sản phẩm tơ chất lượng cao" - ông Jon Rice nói.
Ông cho biết giai đoạn đầu của dự án, công ty sẽ đầu tư khoảng 50 triệu USD trồng dâu nuôi tằm trên diện tích khoảng 2.000 - 2.500 ha.
Bình luận (0)