Hiện nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 5.000 ha dâu, hàng trăm máy xe tơ dệt lụa hoạt động liên tục ngày đêm, tập trung chủ yếu tại thủ phủ TP Bảo Lộc. Các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực tạo nên vùng nguyên liệu gắn liền với sản xuất, chế biến tơ lụa trọng điểm cả nước.
Vực dậy nghề trồng dâu nuôi tằm
Những ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại xã Đam B’ri nơi có diện tích trồng dâu nuôi tằm lớn nhất TP Bảo Lộc. Nghề trồng dâu nuôi tằm nơi đây đã được hồi sinh. Nhớ lại những thăng trầm về nghề "ăn cơm đứng", nhiều người dân nơi đây chia sẻ trước đây cả vùng có trên 3.000 ha dâu, rồi giảm xuống chỉ còn khoảng 100 ha. Không sống nổi với nghề, nhiều người chặt phá dâu để chuyển đổi sang một số loại cây trồng khác như chè, cà phê.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, giá kén tằm tăng cao và ổn định đã làm cho diện tích dâu dần "nở ra" và đang tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân. Ông Trần Xuân Khánh (ngụ thôn 10, xã Đam B’ri), gần 30 gắn bó với nghề, vui vẻ nói: "Với hơn 3 sào trồng dâu, bình quân mỗi tháng nuôi khoảng 2-3 hộp tằm. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã thu về được 150 triệu đồng".
Ngành trồng dâu nuôi tằm đang phát triển mạnh mẽ trở lại ở Lâm Đồng, cung ứng nhiều sản phẩm
tơ tằm chất lượng cao
Ông Khánh cho biết nghề trồng dâu nuôi tằm bây giờ đã nhàn hơn trước nhờ có nhiều công cụ hỗ trợ, như máy băm lá dâu, máy dập kén, né gỗ và có thể nuôi tằm dưới nền nhà. Nhờ đó, công lao động ở tất cả các khâu đều giảm, thu lợi cao hơn. Giá kén hiện nay gần 200.000 đồng/kg, với khoảng 4-5 lứa tằm từ nay đến cuối năm, ông Khánh tính có thể kiếm chắc khoản lãi 100 triệu đồng.
Ngoài thủ phủ dâu tằm ở TP Bảo Lộc, các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên... cũng đầu tư tăng diện tích trồng dâu nuôi tằm. Theo thống kê, với 1 ha dâu, bình quân mỗi tháng người dân có thể nuôi 3 hộp tằm và sản lượng kén thu được khoảng 180 kg. Trừ hết các chi phí, lãi hơn 35 triệu đồng/tháng, trong khi mỗi năm nuôi tằm được 10 tháng. Những người dày dạn kinh nghiệm cho rằng cách tốt nhất vực dậy nghề này là bắt đầu từ việc người dân canh tác giống dâu mới cho năng suất cao và chủ động được nguồn giống tằm, không phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài.
Theo Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng, nơi đây đã nghiên cứu thành công 2 giống dâu mới là S7CB và VA201 cho năng suất tăng gấp 3-4 lần so với giống cũ (đạt khoảng 25-30 tấn/ha). Hiện nay, giống mới này đã nhanh chóng được thâm canh tại các vùng trồng dâu ở tỉnh Lâm Đồng.
Phát triển thương hiệu
Ông Lê Trọng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), cho biết thương hiệu Tơ lụa Bảo Lộc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 276882 cấp ngày 27-2-2017. "Hiện chúng tôi đang triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Tơ lụa Bảo Lộc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tơ lụa đủ điều kiện... để ngày càng phát triển mạnh thương hiệu này" - ông Tuấn nói.
Nhiều nhà máy chế biến tơ tằm quy mô lớn đã được xây dựng hoặc hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Công nghệ sản xuất chế biến tơ lụa và các sản phẩm dệt may từ tơ lụa của Bảo Lộc đã được đầu tư cơ bản, dây chuyền sản xuất hiện đại, công suất cao, chiếm 75% năng lực ươm tơ, 70% năng lực xe tơ dệt lụa của cả nước. Công nghiệp ươm tơ dệt lụa đã tạo ra nhiều sản phẩm lụa chất lượng cao, xuất khẩu ra các nước như Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và cả khối EU.
Các nhà máy, cơ sở quay tơ dệt lụa như: Công ty CP Tơ lụa Bảo Lộc, Công ty CP Tơ tằm Á Châu... cũng đã trang bị máy móc theo công nghệ hiện đại như: Máy dệt Jacquard (công nghệ của Nhật) để dệt sản phẩm gấm khổ hẹp (chuyên dùng cho áo kimono); máy Muri (dệt phẳng) dệt lụa lót áo kimono.
Theo nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh, tơ lụa Bảo Lộc cũng đã góp phần không nhỏ nhằm giới thiệu sản phẩm lụa tơ tằm cao cấp Việt Nam. Sắp tới, Festival Hoa Đà Lạt còn có thêm vẻ đẹp của tơ lụa Lâm Đồng. "Đây là cơ hội để chúng ta hành động thiết thực đưa tơ lụa về giá trị đúng nghĩa của nó" - bà Minh Hạnh chia sẻ.
"Chúng tôi đang nỗ lực nhằm tạo sản phẩm tơ lụa đẹp, chất lượng mang chất riêng với mục tiêu phấn đấu 5 đến 10 năm nữa đưa Bảo Lộc thành "Thành phố Tơ lụa Việt Nam" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa cho hay.
Chủ động hơn về nguyên liệu và giống
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã nhập trứng giống tằm dâu chủ yếu từ Trung Quốc với trên 90% bằng con đường tiểu ngạch không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như giá trị kinh tế của nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Lâm Đồng.
Ông Phạm Phú Cường, Giám đốc Công ty TNHH Tơ tằm Phú Cường (xã Đại Lào, TP Bảo Lộc), cho rằng các ngành chức năng nên hướng dẫn người dân chủ động nguồn nguyên liệu, làm chủ về giống chất lượng cao. Hiện do nguồn cung không đủ cầu nên đã xảy ra tình trạng tranh mua tranh bán không lành mạnh giữa các thương lái và các doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ.
Bình luận (0)