Ngày 16-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Lãnh đạo Chính phủ, đại diện các bộ - ngành đã thảo luận những giải pháp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH) và tháo gỡ điểm nghẽn để DNNN phát triển bảo đảm vai trò tiên phong và chủ lực của mình.
Cổ phần hóa chậm, nhiều sai phạm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ năm 2016 đến tháng 6-2019, cả nước mới chỉ CPH được 162 DN với tổng quy mô vốn nhà nước 205.433,2 tỉ đồng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá tình hình thực hiện CPH theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ rất chậm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng vẫn còn nhiều DN, tổng công ty chậm đổi mới, ngại đổi mới theo phê duyệt của Thủ tướng. Bên cạnh đó là các vướng mắc về thể chế. Bước đầu đã phát hiện những sai phạm, cố ý làm trái quy định của pháp luật trong thoái vốn nhà nước, làm trái với ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo Chính phủ. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm cho quá trình tổ chức thực hiện gặp nhiều khó khăn. "Chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm liên quan đến những vụ việc này" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thường xuyên đốc thúc công tác CPH, thoái vốn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ một số ngành, địa phương trọng điểm nhưng rất chậm trong CPH, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM. Phó Thủ tướng yêu cầu 2 TP lớn này đánh giá nguyên nhân tại sao CPH chậm và xem xét trách nhiệm người đứng đầu.
Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, Bộ Tài chính cũng thường xuyên tổ chức các hội nghị thúc đẩy CPH, thoái vốn nhưng tiến độ vẫn rất ì ạch. Phân tích nguyên nhân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bày tỏ lo lắng trước thực trạng DN thực hiện CPH, thoái vốn hầu hết là các DN lớn nhưng tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai.
Ngoài ra, các bộ - ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa khẩn trương xây dựng, phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại đối với các DNNN dẫn tới việc không thể triển khai các công việc tiếp theo.
Được mời góp ý kiến, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc, nêu thực tế việc xử lý tài sản, đặc biệt là đất đai, gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là "nhiệm vụ bất khả thi" vì nằm ở nhiều tỉnh - thành, lại xảy ra tranh chấp, lấn chiếm. "Với quy trình sắp xếp đất đai lòng vòng như hiện nay, rất khó có thể hoàn thành mục tiêu CPH cũng như thoái vốn tại 19 DN thuộc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc trong năm 2019" - bà Tâm thừa nhận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tiến độ CPH, thoái vốn còn chậm, chỉ rõ nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Theo Thủ tướng, vẫn còn tình trạng tham nhũng, che giấu sai phạm và cố tình làm chậm quá trình này. Hiện tượng tham nhũng, "sân trước", "sân sau", "vườn sau" trong DNNN vẫn còn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: QUANG HIẾU
Bỏ tư tưởng "bổn cũ soạn lại"
Trong bối cảnh mới với nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thay đổi, cải cách để bắt nhịp với sự biến động nhanh của thị trường trong nước và quốc tế. DNNN phải đi đầu trong nghiên cứu phát triển đổi mới công nghệ và dẹp bỏ tư tưởng "bổn cũ soạn lại". Theo Thủ tướng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNNN còn thấp, thu hút vốn đầu tư phát triển thấp hơn khu vực ngoài nhà nước, vai trò của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước chưa cao, thiếu quyết liệt.
Chỉ rõ sự chậm chạp, lạc hậu còn có trong một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sớm khắc phục bằng việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bài bản và đổi mới sáng tạo công nghệ. Thủ tướng cũng nhấn mạnh DNNN cần có hệ sinh thái là các DN vừa và nhỏ, hình thành các chuỗi giá trị. Đồng thời, chủ động trong hội nhập, cạnh tranh quốc tế, quan tâm đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn mà tư nhân không muốn đầu tư và những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng.
Ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, cho rằng cần cải tiến cơ chế phối hợp giữa các ban - ngành, cơ quan trung ương để có sự hài hòa, thống nhất, tháo gỡ khó khăn cho DNNN. Bên cạnh đó, DNNN phải đổi mới quản trị theo kinh tế thị trường và phương pháp quản lý hiện đại theo chuẩn mực quốc tế nhưng phải phù hợp với điều kiện chính trị và văn hóa Việt Nam.
"Cần trao quyền tự chủ trong kinh doanh của DN nhiều hơn để phát huy tính sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng như các thành phần kinh tế khác nhưng vẫn phải kiểm soát quyền lực" - ông Phạm Minh Chính đề nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với việc trao quyền tự chủ cho DNNN điều hành, song phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, không để nảy sinh những bất cập mới.
Hà Nội gặp khó khi xử lý "đất vàng"
Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng địa phương gặp khó khi không có hướng dẫn xử lý đất đai trong quá trình CPH, trong khi diện tích đất nội đô lớn, nằm ở những vị trí được coi là "đất vàng" nên rất nhạy cảm. Ông Nguyễn Văn Sửu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần ban hành văn bản hướng dẫn xử lý đất đai, nếu không có hướng dẫn thì địa phương không dám làm vì dù làm khách quan cũng có thể xảy ra các sự việc nghiêm trọng.
Bình luận (0)