Đại hội Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) hải ngoại Nhật Bản toàn cầu năm 2015 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam trong ngày 21 và 22-11 ở TP HCM. Đại hội thu hút hơn 500 lãnh đạo DN Nhật Bản đến từ các quốc gia trên thế giới.
Điểm thay thế
Việc tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là Cộng đồng ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã giúp Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý, có tiềm năng trở thành trung tâm kinh tế của khu vực. Nhật Bản cũng không ngoại lệ trong bối cảnh nhiều DN nước này đang quan tâm đầu tư vào khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam 10 tháng đầu năm, Nhật Bản đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,48 tỉ USD. Tính chung đến ngày 20-10-2015, Nhật Bản có 2.788 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 38,7 tỉ USD, xếp thứ hai trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, cho biết đầu tư của DN Nhật vào Việt Nam không ngừng tăng trong những năm qua. Chỉ riêng năm nay, có khoảng 6.000 DN Nhật đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư và hơn 1.000 DN trong số này có ý định làm ăn lâu dài, cho thấy làn sóng đầu tư của Nhật không suy giảm. Đáng lưu ý, khi các DN Nhật đang làm ăn ở Trung Quốc hoặc Thái Lan có ý định mở rộng hoặc dịch chuyển đầu tư, phần lớn họ chọn Việt Nam làm điểm đến thay thế, nhờ thuận lợi về lao động và môi trường đầu tư đang cải thiện.
Năm mối lo
Trên thực tế, từ những năm 2010 - 2011, chi phí hoạt động ở Thái Lan tăng cao khiến các DN Nhật Bản chuyển hoạt động đầu tư sang Lào, Campuchia nhưng xu hướng này đã thay đổi trong khoảng 2 năm trở lại đây. Điểm đến được cộng đồng DN Nhật ưu tiên hàng đầu trong khu vực để thành lập các cơ sở sản xuất theo chiến lược Thái Lan + 1 là Việt Nam.
Cùng với đó, chi phí nhân công ở Trung Quốc tăng cao khiến các DN Nhật Bản đang hoạt động ở đây cũng phải dời một phần nhà máy sang nơi khác, trong đó một nửa là đến các nước ASEAN và Việt Nam được xếp đầu trong danh sách lựa chọn.
Có điều, khảo sát môi trường đầu tư ở Việt Nam được JETRO công bố mới đây cho thấy có 5 rủi ro khiến nhà đầu tư Nhật lo ngại khi làm ăn ở Việt Nam, gồm: hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, vận hành chưa minh bạch; chi phí nhân công có xu hướng tăng; thủ tục hành chính phức tạp; cơ chế và thủ tục thuế rườm rà và cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện.
“Rất nhiều trường hợp thủ tục hành chính cản trở hoạt động của DN, có khoảng cách giữa việc lập và thực hiện chính sách, áp dụng tùy tiện hoặc bị đòi các khoản phí không minh bạch… gây cản trở hoạt động kinh doanh. Việt Nam cần có môi trường kinh doanh minh bạch hơn nữa để cả DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN trong nước có thể thoải mái cạnh tranh, làm ăn” - ông Yasuzumi Hirotaka nhìn nhận.
Xu hướng dịch chuyển làn sóng đầu tư từ Trung Quốc, Thái Lan sang Việt Nam của DN Nhật Bản không phải cá biệt, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia cũng đánh giá Việt Nam có thể trở thành “công xưởng chế biến, chế tạo mới của thế giới”.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ở các nước lân cận đang suy giảm, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng thu hút đầu tư. Để tận dụng tối đa ưu thế này, nhà nước cần tiếp tục nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; nếu không, lợi thế sẽ chỉ dừng lại ở cơ hội!
Bình luận (0)