xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp nỗ lực trở lại "đường đua"

THÁI PHƯƠNG - VƯƠNG NGỌC - NGUYỄN HẢI

Liên tục gặp khó khăn khi dịch Covid-19 kéo dài và tác động từ xung đột Nga - Ukraine nhưng các doanh nghiệp vẫn nỗ lực khôi phục sản xuất - kinh doanh

Trong báo cáo Đánh giá nhanh tác động của các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đối với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam, TS Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả từ Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã nhận diện ít nhất có 5 tác động chính đến doanh nghiệp (DN) Việt Nam do giá xăng dầu, khí đốt, lương thực, thực phẩm tăng mạnh.

Đau đầu vì đứt gãy chuỗi cung ứng

Tác động dễ thấy nhất là xuất khẩu hàng hóa sang Nga, Ukraine, Belarus khó khăn hơn nhiều do nhu cầu giảm; đồng ruble mất giá nhiều trong khi đồng USD tăng giá, đồng nghĩa với giá hàng xuất bằng USD trở nên đắt đỏ hơn.

Chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, cước vận tải, lưu kho bãi... tăng nhanh, trong khi giá bán hàng hóa đầu ra chưa thể tăng tương ứng; cộng với rủi ro thanh toán (do các ngân hàng Nga bị tách khỏi hệ thống SWIFT), rủi ro tỉ giá khiến nhà nhập khẩu bên Nga yêu cầu chia sẻ, giảm giá. Đặc biệt, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến thiếu đầu vào, khâu trung gian bị kéo dài, đầu ra chậm tiêu thụ; bên cạnh rủi ro pháp lý khi hàng giao chậm tiến độ, chậm thanh toán, tranh chấp hay vi phạm hợp đồng có thể xảy ra.

Nhiều DN thừa nhận khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài từ đại dịch Covid-19 đến nay vẫn còn là một bài toán đau đầu, không dễ giải quyết. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico), cho biết sau giai đoạn khó khăn do đại dịch, DN từng bước khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đến dịp Tết Nguyên đán 2022 vừa qua, khó khăn về nguồn lao động cũng được giải quyết.

Doanh nghiệp nỗ lực trở lại đường đua - Ảnh 1.

Chế biến cá điêu hồng xuất khẩu tại Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chỉ riêng vấn đề dai dẳng là đứt gãy chuỗi cung ứng mà Bidrico cùng rất nhiều DN đang gặp phải vẫn chưa có hướng xử lý triệt để. Nhiều đối tác ở nước ngoài đã đóng cửa, phá sản trong dịch; thời gian nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về quá lâu và giá quá cao đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất - kinh doanh của DN.

"Điều này phát sinh khiến giá cả tăng, tạo nên mặt bằng giá mới nhưng DN lại không thể bán sản phẩm với mức giá đó. Đây thật sự là điều khó khăn khi DN phải đối mặt bài toán làm sao có lợi nhuận để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh" - ông Hiến lo ngại.

Ông Lê Duy Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh (Duy Anh Foods, chuyên các sản phẩm chế biến từ gạo như: bún, phở, bánh tráng), cho hay công ty của ông đang trên đà "chạy bù" cho năm ngoái - phải ngưng do không thể tổ chức "3 tại chỗ". Thế nhưng, từ đầu năm 2022 đến nay, DN lại gặp thách thức lớn là chi phí đầu vào tăng cao và thị trường tiêu thụ gặp trục trặc.

"Duy Anh Foods là DN có 70% doanh số từ xuất khẩu nhưng thị trường Nga và Ukraine bị dừng do xung đột, còn thị trường EU bị vạ lây bởi sự cố mì ăn liền bị cảnh báo Ethylene Oxide. Theo đó, các lô hàng của DN muốn xuất khẩu sang EU phải có chứng thư từ cơ quan chức năng xác nhận không nhiễm Ethylene Oxide nhưng đến giờ chưa có hướng dẫn cụ thể" - ông Toàn băn khoăn.

Cố gắng duy trì sản xuất

Dù sức ép từ chi phí đầu vào tăng cao nhưng DN lại phải cân nhắc kỹ với bài toán tăng giá bán sản phẩm. Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, áp lực tăng giá là rất lớn do hầu hết các loại nguyên liệu đều đã tăng 20%-30%. Ngay cả những mặt hàng bình ổn giá cũng chỉ có thể cầm cự được đến hết tháng 3-2022.

"Công ty chúng tôi đã có văn bản gửi Sở Tài chính TP HCM, kiến nghị được điều chỉnh giá tăng từ tháng 4 tới, với mức điều chỉnh tăng thấp nhất nhằm chia sẻ khó khăn cùng DN" - ông Thiện giãi bày, đồng thời cho biết Công ty Vĩnh Thành Đạt cũng đã ngồi lại với các bên cung cấp nguyên liệu, nhà phân phối, kênh bán lẻ siêu thị để được chia sẻ khó khăn chung. Công ty đã kiến nghị phía siêu thị giảm chi phí chiết khấu để sản phẩm bán ra có mức tăng thấp nhất.

Ông Trương Chí Thiện cho hay trong bối cảnh hiện nay, các kế hoạch tăng trưởng của DN đều phải hủy bỏ, chỉ cố gắng duy trì sản xuất và tìm kiếm cơ hội mới. "Những kế hoạch về nghiên cứu sản phẩm mới, đầu tư mở rộng sản xuất cũng tạm dừng, các chi phí không cần thiết đều được cắt bỏ..." - lãnh đạo DN này bày tỏ.

Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, cũng cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, làm sao giúp DN hoạt động không bị lỗ đã là thành công, trong đó chấp nhận lỗ khấu hao, cố gắng duy trì sản xuất để chờ kinh tế phục hồi. Điều may mắn, theo ông Bình, là giá nhiều loại nguyên liệu trong nước vẫn còn ổn định. Chẳng hạn, giá lúa mì trên thế giới đang tăng cao, trong khi giá lúa gạo trong nước chưa bị tác động từ bên ngoài nên vẫn ổn định.

"Lãi suất trong nước chưa tăng cũng là tín hiệu khả quan mà DN nào cũng quan tâm vì nó ảnh hưởng đến mọi hoạt động. Việc cần làm ngay của DN ở giai đoạn này là phải cắt giảm chi phí, ngưng đầu tư những gì chưa thật sự cần thiết" - ông Bình nhìn nhận.

Trong nỗ lực ứng phó, xoay xở trước khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng và giá cả đầu vào tăng cao, ông Nguyễn Đặng Hiến cho biết đã chủ trương nội địa hóa một số loại nguyên liệu trước đây Bidrico phải nhập. Chiến lược này vừa giúp DN tìm được nguồn nguyên liệu với giá rẻ hơn hàng nhập, vừa không phải chờ đợi lâu do ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, không bị gián đoạn hoạt động sản xuất... Từ khi triển khai nội địa hóa nguyên liệu, Bidrico đã thay thế được khoảng 12% nguyên liệu nhập khẩu.

"Điều chúng tôi cần lúc này là sự hỗ trợ về thông tin thị trường, thông tin của DN đối tác ở nước ngoài vì trong bối cảnh khó khăn, rất nhiều đối tác đã thu hẹp sản xuất - kinh doanh, chuyển ngành hoặc phá sản... Cơ quan quản lý cần thông tin sớm, kịp thời để chúng tôi lên kế hoạch ứng phó phù hợp" - ông Hiến kiến nghị.

Về trục trặc thị trường như trường hợp ở EU, ông Lê Duy Toàn cho biết Duy Anh Foods cùng các DN liên quan đang tích cực liên hệ cơ quan chức năng để làm việc với phía EU theo hướng tách riêng 2 dòng sản phẩm ăn liền có gia vị và sản phẩm phải chế biến lại để khơi thông thị trường này. DN cũng ký hợp đồng với nhà cung cấp nguyên liệu chính là gạo trong 6 tháng để ổn định giá, điều chỉnh máy móc nhằm tăng năng suất.

"Điều mà chúng tôi băn khoăn nhất lúc này là tăng giá sản phẩm như thế nào để bảo đảm hiệu quả, vì nếu tăng giá tương ứng chi phí đầu vào sẽ giảm sức mua, còn không tăng thì lại lỗ" - ông Toàn bày tỏ.

Nâng cao năng lực để ứng phó tình hình mới

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Thành - chuyên gia kinh tế, cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - giá xăng dầu tăng quá cao sẽ ảnh hưởng đến sản xuất. Giá xăng dầu tăng thì ngân sách nhà nước có thêm dư địa tăng trưởng trong khi người dân và DN gặp khó khăn. Do vậy, việc lúc này nhà nước có thể làm là giảm thuế, phí xăng dầu để ổn định giá, vừa đủ cho sự ổn định, nhà nước cũng không cần bơm tiền ra để trợ giá xăng dầu.

Nhìn ở góc độ khác, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu GIBC, cho rằng DN không nên thấy các vấn đề thời sự như xung đột Nga - Ukraine, giá xăng dầu tăng mà hốt hoảng. "Chúng ta cần lạnh lùng hơn để nhìn nhận rằng Việt Nam đã hội nhập sâu, không gặp rủi ro này cũng sẽ có rủi ro khác. Việc cần làm là DN phải nâng cao năng lực quản trị để ứng phó tình hình mới. DN cần quan tâm đến vấn đề cơ bản là cấu trúc giá thành sản phẩm để biết thế mạnh, yếu của mình mà điều chỉnh. Điển hình là câu chuyện liên kết đã được nói đến rất nhiều, cần được thực hiện hiệu quả hơn để hạ giá thành sản phẩm" - ông Trai góp ý.

Tập trung vào thị trường ít bị tác động

Ông Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, Chủ tịch Hội DN TP Thủ Đức - nhận định sau một năm rất khó khăn, với những quyết sách của Quốc hội, Chính phủ thông qua các chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các gói hỗ trợ đã đem đến kỳ vọng khôi phục cho DN. Thực tế, từ cuối năm ngoái đến trước thời điểm xảy ra xung đột Nga - Ukraine, tín hiệu xuất khẩu của cả nước, trong đó có TP HCM, rất tốt, đơn hàng nhiều và DN cũng kỳ vọng đà tăng trưởng mới.

"Nhưng hiện tại, trong bối cảnh giá cả hàng hóa và giá xăng dầu tăng, DN phải ứng phó bằng cách đàm phán với nước ngoài, giãn thời gian giao hàng, cắt giảm chi phí, chờ đợi giá đầu vào giảm lại. Theo tôi, cần tập trung vào thị trường ít bị tác động từ giá xăng dầu để chờ cơ hội phục hồi" - ông Trần Việt Anh nêu.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo