Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2020 của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức sụt giảm lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008-2009 với mức giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 121,21 tỉ USD.
Khu vực trong nước tăng 7,3%
Riêng tháng 6, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm 2% nhưng khu vực kinh tế trong nước tăng tới 7,3%; còn khu vực FDI (kể cả dầu thô) giảm 6,4%. Điểm đáng mừng nữa là kim ngạch xuất khẩu tháng 6 tăng 9,5% so với tháng trước, ước đạt 21 tỉ USD.
Đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu tháng 6, nhóm nhiên liệu và khoáng sản có mức tăng rất lớn: dầu thô tăng 27,6%; xăng dầu tăng 46,9%; quặng và khoáng sản tăng 102,6%. Trong ngành nông nghiệp, thủy sản tăng 5,9%; rau quả tăng 11,2%; chè tăng 23,7%; cao su tăng tới 44,7%. Nhóm hàng công nghiệp chế biến dù chưa thể trở lại trạng thái trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhưng xu hướng phục hồi vẫn tiếp diễn với mức tăng 10,5%, đạt 17,43 tỉ USD. Trong đó, hóa chất tăng 29,3%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 22%; hàng dệt và may mặc 17,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 10,4%...
Hai thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ đều có tăng trưởng tốt. Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 19,5 tỉ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước; sang Mỹ đạt 30,3 tỉ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP có tăng trưởng tích cực: xuất khẩu sang Úc tăng 2,3%; Chile tăng 1,6%; Mexico tăng 2,6%. Tại TP HCM, báo cáo của Sở Công Thương về tình hình hoạt động của ngành trên địa bàn cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) TP qua cửa khẩu cả nước nửa đầu năm ước đạt 20,7 tỉ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu của DN TP qua cửa khẩu TP 6 tháng ước đạt 19,09 tỉ USD, tăng 5,5% so cùng kỳ. Như vậy, trong khi cả nước sụt giảm xuất khẩu nửa đầu năm và chỉ tăng lại vào tháng 6 thì TP HCM vẫn duy trì tăng trưởng dương.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Đại diện Bộ Công Thương cho biết nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh trong thời gian qua đã đem lại kết quả hết sức tích cực. Chẳng hạn, bộ đã kết hợp với các địa phương của Trung Quốc tổ chức 3 hội nghị giao thương trực tuyến nhằm giúp nông sản, thực phẩm Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này; tổ chức hội nghị trực tuyến với Ấn Độ và tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nhật Bản 2020 mới đây.
"Cơ hội xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP đang rất lớn khi mới đây, hơn 2 tấn vải thiều Việt Nam đã được tiêu thụ hết chỉ sau vài giờ tại các hệ thống siêu thị ở thủ đô Tokyo và tỉnh Osaka (Nhật Bản) ngay trong ngày mở bán đầu tiên. Giá bán vải tại thị trường Nhật là 180.000 - 270.000 đồng/kg. Ước tính năm nay sẽ có khoảng 100 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang thị trường Nhật bằng đường hàng không và đường biển. Bên cạnh đó, trong tháng 6, tỉnh Sơn La đã tổ chức lễ xuất khẩu 30 tấn xoài đầu tiên trong năm sang thị trường Mỹ, Canada và Úc theo đường chính ngạch" - đại diện Bộ Công Thương chia sẻ.
Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho biết từ khi thiết lập trạng thái bình thường mới, xuất khẩu của DN tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019 nên tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tương đương năm ngoái. "Có được kết quả này là nhờ chúng tôi phát triển thêm nhiều thị trường mới như vải thiều sang Nhật, sầu riêng sang Canada, Mỹ..." - bà Ngô Tường Vy chia sẻ.
Trong nhóm ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết tôm thẻ chân trắng là điểm sáng của ngành năm nay với giá trị xuất khẩu tính đến hết tháng 5 đạt 208,34 triệu USD, chiếm 32,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Về nguyên nhân tăng trưởng, theo ông Hòe, do người tiêu dùng trên thế giới tăng cường tích trữ lương thực thực phẩm do Covid-19 và DN tôm Việt Nam có lợi thế hơn các đối thủ.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng), thông tin 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của công ty tăng 5% về số lượng và tăng 3%-4% về giá trị. "Covid-19 khiến tiêu thụ tôm ở các nước nhập khẩu tại kênh nhà hàng khách sạn giảm sút mạnh, trong khi kênh bán lẻ cho người tiêu dùng tăng chưa bù đắp được. Tuy nhiên, Ấn Độ và Thái Lan là các đối thủ xuất khẩu trên thế giới bị dịch nặng, chưa đi vào sản xuất nên các nhà nhập khẩu chuyển một số đơn hàng sang Việt Nam" - ông Lĩnh lý giải.
Doanh nghiệp thu mua vải thiều tại Bắc Giang để xuất khẩu. Ảnh: AN NA
Còn khó khăn trong ngắn hạn
Theo Bộ Công Thương, kết quả xuất khẩu của khối DN trong nước 6 tháng đầu năm tăng 11,7% so với cùng kỳ, trong khi khối FDI âm 6,7% và cả nước âm 1,1%, đã thể hiện khả năng chống chịu tốt hơn dưới tác động của dịch bệnh. Kết quả này cũng cho thấy động lực tăng trưởng của khối trong nước không còn chỉ phụ thuộc tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản như các năm trước mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Xu hướng này đã bắt đầu từ 1-2 năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, khi mà xuất khẩu nông sản, thủy sản gặp khó khăn, xuất khẩu của khu vực trong nước vẫn tăng trưởng cao và cao hơn tăng trưởng chung của cả nước.
Tuy vậy, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, thông tin hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu phụ thuộc lớn vào yếu tố bên ngoài, trong khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu. Do đó, trong những tháng cuối năm, xuất nhập khẩu của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng kim ngạch vẫn giảm so với cùng kỳ năm 2019 và tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu năm 2020 là 300 tỉ USD.
Với TP HCM, các chuyên gia nhận định mức độ và thời gian suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, hiệu lực và tốc độ phản ứng của từng quốc gia cũng như sự phối hợp ứng phó toàn cầu, mức độ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, mức độ suy giảm nhu cầu toàn cầu lẫn mức độ khó khăn tài chính của khu vực DN và chính phủ. Do vậy, rất khó dự báo về khả năng phát triển xuất khẩu của TP trong ngắn hạn sắp tới.
Xuất siêu 4,03 tỉ USD trong 6 tháng
Tháng 6, Việt Nam ước tính xuất siêu 500 triệu USD. Tính chung 6 tháng năm 2020, cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu 4,03 tỉ USD, cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,72 tỉ USD của 6 tháng đầu năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,2 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,2 tỉ USD.
Bình luận (0)