Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong quý I/2018, cả nước có 26.785 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, nâng tổng số lên khoảng 575.800 DN đang hoạt động.
Khó đạt mục tiêu 1 triệu DN
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I vừa qua, cả nước có thêm 20.337 DN phá sản, ngừng hoạt động. Tuy giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung, số DN "chết yểu" vẫn… đuổi sát nút số DN được sinh ra.
So với mục tiêu đến năm 2020 đạt được 1 triệu DN hoạt động hiệu quả như Nghị quyết 35 của Chính phủ đề ra, trung bình mỗi năm cần khoảng gần 150.000 DN mới và phải là DN sống được cùng phát sinh thuế thu nhập DN.
Với tình hình DN "chết yểu" nhiều, mục tiêu trên đang bị đe dọa. Trong thực tế, dù số DN thành lập mới vượt mốc 110.100 DN vào năm 2016 và tăng lên 126.859 DN trong năm 2017 nhưng cũng trong 2 năm này, số DN phá sản, dừng hoạt động khá nhiều, lần lượt là 73.000 DN và 60.600 DN.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá số lượng DN rời bỏ thị trường vẫn cao, chứng tỏ việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng.
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, DN làm ăn không hiệu quả làm cho nợ thuế tăng lên. Số liệu của bộ này cho thấy tổng nợ thuế tại thời điểm ngày 31-12-2017 là 73.145 tỉ đồng. Đến hết quý I năm nay, tổng nợ thuế đã tăng lên hơn 82.000 tỉ đồng. Như vậy, nợ thuế đã tăng hơn 9.700 tỉ đồng so với thời điểm ngày 31-12-2017, trong đó nợ không có khả năng thu hồi tăng gần 830 tỉ đồng.
Lo môi trường kinh doanh
Sau 4 năm liên tục thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, đến cuối năm 2017, khảo sát của VCCI chỉ ra 5.719 giấy phép con gây trở ngại cho DN.
Đáng lưu ý là cả 2 chỉ số về khởi sự kinh doanh và phá sản DN, tức là 2 thủ tục liên quan đến "vòng đời" của một DN không những không được cải thiện mà còn tụt hạng trong bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh 2017 của Ngân hàng Thế giới.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, nhìn nhận Nghị quyết 19 với mục tiêu cắt giảm các điều kiện kinh doanh bất lợi cho DN, tạo điều kiện để DN nâng cao năng lực cạnh tranh là rất rõ ràng. Song, trong quá trình thực hiện vẫn "trên nóng, dưới lạnh".
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhấn mạnh các cơ quan quản lý nhà nước chưa ý thức được rằng làm khó DN tức là gây khó khăn cho nền kinh tế. Trong quá trình ban hành và thực thi các quy định của pháp luật, họ chưa cân nhắc xem như vậy có gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh hay không.
Bình luận (0)