Đơn hàng hối liên tục, nhiều doanh nghiệp (DN) thực phẩm vừa khẩn trương tổ chức sản xuất để kịp giao hàng nhưng cũng rất căng thẳng khi liên tục tăng cấp độ phòng chống dịch để bảo vệ an toàn cho người lao động.
Tăng ca vẫn không kịp đơn hàng
Gần 1 tháng nay, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) thường xuyên tổ chức sản xuất 3 ca để sản xuất đồ hộp, xúc xích, giò chả các loại nhưng vẫn không đủ hàng giao cho siêu thị, đại lý phân phối. "Kho thành phẩm của chúng tôi sạch trơn trong khi đơn đặt hàng đồ hộp tăng 30%-40% so với bình thường, các mặt hàng khác cũng tăng 10%. Quy trình sản xuất đồ hộp mất nhiều thời gian, sản phẩm ra lò cần lưu kho 7 ngày trước khi đưa ra thị trường nhưng siêu thị, đại lý phân phối gọi điện thoại đặt lẫn hối giao hàng liên tục nên dù chúng tôi bố trí công nhân làm 3 ca vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu" - ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, cho biết.
Trong khi đó, Ban Tổng Giám đốc Công ty CP Saigon Food phải chấp nhận "hy sinh" một phần đơn hàng xuất khẩu để ưu tiên cho nhu cầu nội địa khi chuyển 2 dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu sang làm hàng trong nước. Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Saigon Food, trong bối cảnh cả nước căng mình chống dịch, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, chủ trương của công ty là dồn sức cho thị trường trong nước. "Hiện đơn hàng nội địa đã tăng gấp đôi trước Tết. Tăng mạnh nhất là mặt hàng cháo tươi. Hàng đông lạnh cũng tăng nhưng ít hơn. Những mặt hàng trong nhóm "bữa ăn tươi đông lạnh" như miến gà, bún chả cá, cơm chiên... (chỉ cần làm nóng 3 phút là ăn được) mới đưa ra để thăm dò phản ứng của người tiêu dùng cũng tiêu thụ rất tốt" - bà Lâm cho hay.
Tại Công ty CP Kỹ nghệ Thực phẩm Việt Nam (Vifon), dù đơn hàng xuất khẩu đã tăng 300% so với bình thường, trong đó đa số đơn đặt hàng từ những đối tác lâu năm nên DN phải tính toán mọi phương án để vừa tăng sản lượng cung ứng cho nội địa, đồng thời san sẻ cho đơn hàng xuất khẩu. "Nguyên liệu không thiếu, nhân công cũng không thiếu nhưng cùng lúc đơn hàng về quá nhiều, chúng tôi không đáp ứng kịp" - bà Bùi Phương Mai, Chủ tịch HĐQT Vifon, nêu thực tế.
Người lao động tại Saigon Food được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi vào công ty để phòng dịch Covid-19
Phòng dịch
Do đặc thù của DN sản xuất là tập trung nhiều công nhân, ngay lúc nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở mức cao, nếu một người mắc bệnh sẽ phải cách ly cả nhà máy, phân xưởng nên các DN phải tập trung phòng dịch ngay từ cổng như: đo thân nhiệt từ cổng ra vào, thực hiện kê khai y tế nội bộ mỗi ngày, tổ chức lại quy trình làm việc, ăn uống để hạn chế tối đa rủi ro lây bệnh cho nhau.
Riêng Vissan còn tạm dời nhà xe ra ngoài, sửa lại khu vực này thành nhà ăn tạm cho công nhân, chia nhỏ các đội/nhóm công nhân ăn/nghỉ trưa để giảm tần suất tiếp xúc trực tiếp với nhau.
Với Vifon, ngoài những biện pháp kể trên, còn phân luồng ra vào công ty, chuyển sang chấm công bằng thẻ từ thay vì bằng vân tay như trước; kiểm soát kỹ cả xe container, xe tải ra vào nhà máy. "Cả công ty tại TP HCM có hơn 2.000 người nên chúng tôi thà mất thời gian, giảm năng suất để bảo đảm an toàn chứ không bao giờ lơ là phòng dịch" - bà Bùi Phương Mai nói.
Trong khi đó, Saigon Food đã áp dụng chương trình phòng dịch đến giai đoạn 3, là không tiếp khách tại công ty, xịt khử trùng xe giao nhận hàng cho công ty.
Dù vậy, nhiều DN cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng tạm ngưng hoạt động bất cứ lúc nào nếu có người nghi nhiễm bệnh, phải cách ly. Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên, cho hay đang dịch bệnh nên các mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe của công ty tiêu thụ rất tốt. Hiện trung bình mỗi ngày Xuân Nguyên bán ra thị trường hơn 10.000 chai mật ong, tăng hơn 30% so với trước Tết. Dù vậy, công ty vẫn làm hết sức để bảo vệ sức khỏe người lao động. Đồng thời, lên kế hoạch khi có trường hợp bị lây nhiễm. Hiện Xuân Nguyên chia 2 ca làm việc, mỗi ca chia ra 3 khu vực sản xuất riêng biệt và khoảng nghỉ giữa 2 ca làm lên tới 4 giờ để khử khuẩn, nếu có.
"Bộ phận hành chính, quản lý được bố trí lối đi riêng, hạn chế tiếp xúc với bộ phận sản xuất, họp cán bộ quản lý đều thực hiện online chứ không họp tập trung... Chúng tôi không biết cách này có tác dụng phòng dịch tốt hơn không nhưng trước mắt cứ thực hiện cho yên tâm, nếu rủi ro có người nhiễm thì cũng chỉ lây cho một nhóm nhỏ trong công ty" - ông Vũ nói.
Chặn tin đồn làm rối thị trường
Theo các DN sản xuất lẫn phân phối trên địa bàn TP HCM, lượng hàng sản xuất, cung ứng ra thị trường đến thời điểm này rất dồi dào, không sợ thiếu hàng cục bộ hay không đủ cho nhu cầu tiêu thụ. Trong đợt mua gom ngày 8-3 (sau khi Bộ Y tế công bố ca dương tính với Covid-19 thứ 17) và sáng 26-3 (do có tin đồn TP HCM sẽ phong tỏa để chống dịch), có hiện tượng người tiêu dùng đổ xô đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm để mua gom, gây rối loạn tạm thời. Lượng người mua sắm chỉ giảm bớt khi UBND TP HCM có thông tin bác bỏ tin đồn nhảm. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho hay hiện tâm lý khách hàng không ổn định, người tiêu dùng rất nhạy cảm với những thông tin đồn thổi không chính xác dẫn đến hành động mua gom, gây nên biến động không đáng có khiến nhà sản xuất lẫn phân phối rất vất vả. "Mỗi ngày, thông tin số ca mắc bệnh tăng thì tâm lý người tiêu dùng càng tiêu cực hơn. Chính quyền cần kiểm soát, ngăn chặn những thông tin mang chiều hướng xấu thế này, nếu không, tình trạng mua gom sẽ lặp lại, thậm chí ngày càng tăng" - ông Huy kiến nghị.
Bình luận (0)