Sáng 2-10, Đoàn Đại biểu biểu Quốc hội TP HCM đã tiếp xúc khoảng 150 cử tri doanh nghiệp (DN) TP.
Báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Chủ tịch Hiệp hội DN TP (HUBA) Chu Tiến Dũng, cho biết do ảnh huởng của làn sóng Covid-19 lần thứ 4, từ ngày 9-7 đến nay, DN hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh. Chỉ khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm".
Ông Chu Tiến Dũng báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM
Các DN còn duy trì chủ yếu để bảo đảm sản xuất cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân, duy trì chuỗi cung ứng xuất khẩu theo các đơn hàng đã ký kết và duy trì đội ngũ công nhân chủ chốt. Tuy nhiên, chi phí cao khiến DN thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được do khách hàng tụt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu hẹp đáng kể, thậm chi không đủ trả nợ tiền vay và lãi tiền vay đến hạn, chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng cũng như những tác động khác từ chi phí vận chuyển, giá nguyên vật liệu sản xuất...
"Khảo sát từ các DN cho thấy tỉ lệ DN tạm ngừng hoạt động do dịch chỉ còn dòng tiền giúp duy trì hoạt động "ít hơn 1 tháng" chiếm gần 40%; 17,7% DN đang duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng chỉ còn dòng tiền duy trì được dưới 1 tháng. Tỉ lệ DN có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng quanh mức 46%" - ông Chu Tiến Dũng nêu.
Tình trạng khó khăn như trên khiến số lượng DN giải thể, đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh cao hơn nhiều so mới số DN thành lập mới. Theo báo cáo thống kê, từ đầu năm đến tháng 8-2021, TP HCM có 24.000 DN rời khỏi thị trường, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoảng gần 30% lao động bị mất việc làm trong thời gian này.
"Cộng đồng DN TP HCM mong Chính phủ, chính quyền địa phương công bố công khai thông tin về chiến lược phòng chống dịch, Bộ Tiêu chí phòng chống dịch, kịch bản điều hành kinh tế - xã hội tương ứng với các tình huống diễn biến dịch, hướng dẫn người dân và DN xử lý các tình huống để chủ động điều chỉnh kế hoạch mục tiêu sản xuất - kinh doanh kịp thời, phù hợp với điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ và địa phương" - ông Dũng đề xuất.
Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc cử tri doanh nghiệp sáng 2-10
Một kiến nghị khác của HUBA là Chính phủ cần có chỉ đạo rút kinh nghiệm, khẩn trương ban hành ứng dụng duy nhất áp dụng toàn quốc cho người dân và DN sử dụng. Từ đó, các DN có cơ hội tra cứu, nắm bắt được thông tin liên quan đến nguồn nhân lực lao động của DN, thuận lợi trong việc bố trí sử dụng lao động phù hợp với tiêu chí an toàn.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ đã ban hành, đại diện HUBA đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp chỉ đạo để ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay và kéo giãn thời gian trả nợ vốn, lãi vay tương ứng với thời gian cơ cấu lại các khoản nợ theo Thông tư 01 và Thông tư 14 vừa ban hành. Đồng thờ, cho phép mở rộng "room" cho vay đối với các DN để có vốn phục hồi sản xuất. Chính quyền địa phương cần đơn giản hoá thủ tục cho người dân, DN tiếp cận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68; giảm thu phí giao thông đường bộ...
Bình luận (0)