Chiều 7-3, tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP HCM về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, giải pháp thực hiện chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TP, các doanh nghiệp (DN) chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường TP HCM cho biết đang nỗ lực hết sức để kìm giá.
Tăng giá lúc này là thiệt hại
Ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho biết từ trước Tết Nguyên đán, một số nhà cung cấp đã đề nghị điều chỉnh giá nhưng siêu thị đã thương lượng và tìm mọi giải pháp để tăng giá thấp nhất.
"Tăng giá là việc không ai muốn vì gây thiệt hại chung cho người tiêu dùng lẫn DN sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Trong đó, thiệt hại đối với DN là doanh số giảm mạnh sau mỗi đợt tăng giá, vì vậy từ đầu tháng 3 dù nhận được hàng loạt yêu cầu tăng giá nhưng chúng tôi đang đàm phán, cả 2 bên tìm mọi cách để kìm hãm việc tăng giá. Tuy nhiên, tinh thần là từ đầu tháng 4 sẽ phải điều chỉnh giá hàng loạt với biên độ tăng khá cao" - ông Hồng thông tin.
Tiêu thụ thịt heo ở kênh siêu thị lẫn chợ truyền thống đang rất chậm
Theo ông Hồng, diễn biến thị trường hiện tại khiến hoạt động kinh doanh của Saigon Co.op gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2022 đến nay, doanh thu liên tục giảm so với cùng kỳ năm 2021. "Dịch bệnh cộng với giá xăng dầu, nguyên vật liệu tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Lượng khách sụt giảm rất lớn, trong đó một bộ phận khách chuyển qua mua sắm ở kênh online và mạng xã hội.
Trước tình hình như vậy, Saigon Co.op nỗ lực làm việc với các nhà cung cấp, nhà sản xuất để tìm giải pháp cân đối để mức tăng giá ở mức thấp nhất nhằm duy trì sản xuất và kinh doanh. Bản thân Saigon Co.op đang triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm tối đa chi phí, mục đích là giữ giá bán hàng hóa hoặc không tăng quá cao vì càng tăng nhiều thì thiệt hại về doanh thu càng lớn" - ông Hồng nói.
Đại diện Tổng Công ty Thương mại TP HCM (Satra) cũng cho biết đang cố gắng đàm phán với nhà cung cấp làm hàng nhãn riêng để có giá tốt nhất, ổn định cho khách hàng. Về tổng thể, giá cả có biến động nhẹ, một số mặt hàng rau củ quả tăng nhẹ khoảng 3%-5% như rau muống, cải...
Đáng lo ngại nhất là sức mua quá thấp, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021 (vốn đã thấp do ảnh hưởng dịch Covid-19). Từ Tết Nguyên đán đến nay, doanh số của Satra giảm 5%-7% so với cùng kỳ, lượng khách giảm đến 25%, giá trị hóa đơn mua hàng cũng giảm tương ứng. Trước diễn biến thị trường không thuận lợi, để kéo sức mua phục hồi, Satra bày tỏ mong muốn các nhà sản xuất phối hợp cùng giữ giá.
Trăn trở bài toán chi phí
Cũng phản ánh sức mua chậm và thấp ở hầu hết các nhóm hàng, các DN sản xuất lương thực, thực phẩm chủ lực trong chương trình bình ổn thị trường TP HCM cho hay đang cố hết sức để giữ giá thêm 2-3 tháng. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cho hay công ty đã trữ nguyên liệu đủ để sản xuất 3-5 tháng và đàm phán với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu, bao bì giữ giá thêm 2-3 tháng dù họ đã đề nghị áp dụng giá mới tăng khoảng 5%-7%.
"Thực phẩm chế biến có thể gồng gánh giữ giá được nhưng thực phẩm tươi sống phụ thuộc vào giá heo hơi đầu vào. Giá bán thịt heo trong chương trình bình ổn đang được áp dụng theo cơ sở tham chiếu là giá heo hơn 51.000 đồng/kg nhưng sát Tết vừa qua, thành phố đã điều chỉnh giá thịt heo trong chương trình bình ổn lên 58.000 đồng/kg và hiện neo ở mức 53.500 đồng/kg, DN chấp nhận giữ giá để thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường. Thêm nữa, giai đoạn này giảm giá còn không có người mua, tăng giá thì bán cho ai" - ông Phú nêu thực tế.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP, cũng cho biết tiêu thụ thịt heo tại TP HCM đã giảm 30%-40% so với trước, giá bán cũng không tốt do thị trường tiêu thụ rất chậm vì Covid-19; nhiều DN, trường học vẫn chưa trở lại hoạt động bình thường.
Thừa nhận sức mua thấp trong điều kiện giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển đang tăng cao, DN thiếu hụt lao động ảnh hưởng đến công suất máy móc thiết bị... đang ảnh hưởng rất lớn đến DN, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Colusa - Miliket, nêu giải pháp giữ giá của DN là chủ động dự trữ nguyên vật liệu để hạn chế rủi ro khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu dẫn đến tăng giá.
Ngoài ra, ông Anh Tuấn kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn thông qua các chương trình kích cầu tiêu dùng, giúp khơi thông đầu ra cho sản phẩm để DN có thể phục hồi, phát triển khi Covid-19 được xem là bệnh thông thường.
Cần thời gian để phục hồi
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, có cùng trăn trở với bài toán giữ giá để giữ sức mua. Ông Vũ cho biết sẽ ghi nhận các ý kiến đề xuất của DN và báo cáo UBND TP. Đồng thời, đặt hàng DN có những đóng góp để cùng với Sở Công Thương và các sở, ngành khác làm mới chương trình bình ổn thị trường thành phố, trong đó đặc biệt là những ý kiến đóng góp về cơ chế hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho DN đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó thực hiện tốt hơn vai trò tham gia điều phối, dẫn dắt thị trường.
Bình luận (0)