Theo kế hoạch dự thảo, năm nay, các doanh nghiệp sẽ tham gia bình ổn giá 10 nhóm hàng gồm gạo, mì gói, bún khô...; đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; thủy hải sản, gia vị với sản lượng tăng khá so với năm 2019. Dự kiến, trong các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường. Cụ thể, mỗi tháng sẽ đưa ra thị trường ít nhất 2.553,8 tấn lương thực, 47,97 triệu quả trứng gia cầm, 1.345 tấn đường, 485,9 tấn thực phẩm chế biến, 715 tấn dầu ăn, 4.930 tấn rau củ quả, 4.019 tấn thịt gia súc, 123 tấn thủy hải sản, 9.062 tấn thịt gia cầm, 423,2 tấn gia vị. Trong các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 30%-40% nhu cầu thị trường, tương ứng với lượng chuẩn bị và cung ứng tăng đáng kể.
Không chỉ bảo đảm lượng hàng vượt kế hoạch TP HCM giao, nhiều doanh nghiệp bình ổn thị trường còn nỗ lực ổn định giá
Theo thể lệ chương trình, doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng và đăng ký giá bán với Sở Tài chính theo nguyên tắc giá các mặt hàng trong chương trình bảo đảm thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5%-10%. Chương trình bình ổn thị trường hằng năm bắt đầu từ ngày 1-4 năm trước đến hết 31-3 năm sau.
Từ sau Tết, trong vai trò phối hợp với chính quyền TP HCM để điều tiết thị trường, ổn định cung cầu nhằm ứng phó khẩn cấp với ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng lương thực, thực phẩm đã chuẩn bị nguồn hàng và sẵn sàng cung ứng vượt 30%-40% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, mặt hàng lương thực chuẩn bị 3.319,9 tấn/tháng và 9.959,8 tấn/3 tháng; trứng gia cầm 62,4 triệu quả/tháng và 187,1 triệu quả/3 tháng; thực phẩm chế biến 631,7 tấn/tháng và 1.895,1 tấn/3 tháng...
Bình luận (0)