Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tình hình kinh doanh hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp (DN), cơ sở may mặc đều có chung câu trả lời: “Cực kỳ khó khăn. Hàng Trung Quốc (TQ) vào nhiều quá, cạnh tranh không lại”...
Giày dép Trung Quốc đang bán tràn ngập thị trường TPHCM. Ảnh: H.THÚY
May mặc, giày da thu hẹp sản xuất
Bà Hoàng Thị Minh Châu, Phó Giám đốc nhãn hàng Sanding, cho biết: Công ty đã giảm thiết kế, sản xuất hàng thời trang trẻ em khoảng 50% so với cùng kỳ, đang giảm giá để giải quyết hàng tồn kho. Bà Châu không phủ nhận sự tác động của thời trang trẻ em TQ: Hàng TQ mẫu mã đẹp, nhiều kiểu dáng, giá rẻ nên dù chất lượng không bằng hàng của các DN trong nước nhưng sức tiêu thụ rất cao và lấn át hàng nội. Đại diện một DN kinh doanh hàng thời trang khá lớn tại TPHCM cũng xác nhận: Doanh số bán hàng của công ty đang sụt giảm, hàng tồn kho khá nhiều do bị hàng TQ lấn sân. Công ty phải tạm hoãn kế hoạch mở thêm cửa hàng ở TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành vì... đâu đâu cũng tràn ngập hàng TQ. Khốn khổ nhất là các DN, cơ sở nhỏ chuyên may hàng chợ. Một số DN sau một thời gian chạy theo mẫu mã TQ nhưng “đánh” không lại về giá đành đóng cửa, chuyển sang làm đại lý phân phối hàng TQ.
Với các DN giày dép, túi xách..., tình hình cũng diễn ra tương tự. Tại các chợ An Đông, Trung tâm Thương mại An Đông Plaza, hơn 70% quầy sạp giày dép bán hàng TQ. Cơ sở K. L (quận 11-TPHCM) chuyên sản xuất dép nhựa đành “ngồi chơi xơi nước” từ hơn một tháng qua vì hàng TQ về ào ạt, mối lái không đặt hàng.
Nhựa, điện tử mất thị trường
Ông Võ Văn Đức Bảy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Chợ Lớn, cho biết rất mệt mỏi với hàng TQ vì không biết họ làm bằng cách gì, nguyên liệu gì mà giá bán quá rẻ dù phải vận chuyển hàng ngàn cây số. Mẫu mã đa dạng, mới liên tục, giá rẻ hơn 20% - 30% so với hàng nội địa cùng loại nên hàng TQ thu hút được người mua. Đồ chơi trẻ em loại nhỏ, lớn gần như thua trắng. Các loại xe, súng, máy bay, tàu thuyền, rô bốt, siêu nhân, búp bê... chỉ toàn hàng TQ.
Tương tự, đồ nhựa gia dụng TQ chiếm lĩnh thị trường với thế áp đảo. Ông Hứa Muội Từ, phụ trách trung tâm phân phối Công ty Nhựa Duy Tân, cho biết ở thị trường phía Nam, DN trong nước còn có chút ít chỗ đứng chứ ở thị trường phía Bắc, hàng TQ hoàn toàn làm chủ thị trường. Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện tử Tân Bình (VTB), cho biết trước đây đơn vị đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng điện gia dụng nhưng đụng phải hàng TQ với giá quá rẻ nên... “bỏ của chạy lấy người”.
Chật vật tìm đất sống
Trước thực tế đa số hàng TQ trên thị trường là hàng tiểu ngạch, hàng lậu, các hiệp hội ngành nghề không có cơ sở để kiện hàng TQ bán phá giá vào VN mà chỉ có thể khuyến cáo người tiêu dùng cẩn trọng khi chọn mua. Theo ông Võ Văn Đức Bảy, DN lâu nay cũng chỉ tự “bơi” chứ chưa được Nhà nước hỗ trợ đúng nghĩa. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý mạnh tay đối với hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng.
Ông Hứa Muội Từ cho biết: Để lôi kéo người tiêu dùng, hằng tháng, Duy Tân phải tung ra vài mẫu mã, kiểu dáng mới, mở rộng mạng lưới tiêu thụ. Phải tổ chức dịch vụ hậu mãi, bảo hành, tư vấn chọn lựa, sử dụng sản phẩm sao cho hiệu quả. Ông Vũ Dương Ngọc Duy cho rằng cần phải tổ chức đầu tư sản xuất với quy mô lớn, có số lượng hàng hóa áp đảo để tung ra thị trường với mức giá cạnh tranh nhất, chất lượng bảo đảm mới đủ sức đương đầu với hàng TQ. VTB đã đầu tư cả chục triệu USD cho nhà máy sản xuất tủ lạnh. Sau khi nhà máy này sản xuất và đưa hàng ra thị trường ổn định sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất trở lại các mặt hàng nồi cơm điện, bếp từ... Ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật Công ty Cổ phần Truyền thông SoncaMedia, cho biết nếu đối đầu với hàng TQ thì không thể nào cạnh tranh lại. Do đó, đơn vị chọn giải pháp đầu tư sản xuất các mặt hàng đầu đĩa, đầu karaoke với một số tính năng mới mà hàng TQ chưa có.
Khó kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập lậu
Bảo Trân thực hiện |
Khẩn trương lập hàng rào kỹ thuật
T.Nhân |
Bình luận (0)