xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vì sao thời trang Quảng Châu tràn ngập TPHCM ?

Mai Vân

Phần lớn hàng Quảng Đông có mặt ở VN đều được đưa về từ Quảng Châu – thủ phủ của tỉnh Quảng Đông! Một chuyên gia từng tham gia đoàn khảo sát hàng Trung Quốc cho biết, việc “đánh hàng” Trung Quốc về VN là “quá đơn giản!”

Qua sự giới thiệu của Hồng (một người kinh doanh quần áo thời trang nhỏ lẻ chuyên săn hàng Quảng Châu về bán), tôi liên lạc với L. qua điện thoại di động, là một đầu mối lớn ở TPHCM chuyên cung cấp các mặt hàng thời trang Quảng Châu, để hỏi mua túi xách. L. đồng ý hẹn tôi tại nơi tập kết hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình). Vừa bước vào nhà, tôi ngỡ ngàng khi thấy cả căn phòng rộng lớn chất đầy hàng Trung Quốc các loại. 

img
Hàng thời trang về VN thường bắt nguồn từ khu chợ Bạc Mà (Quảng Châu). Ảnh: TR.NGUYÊN

Thích chưng diện: Đã có hàng Quảng Châu


Cầm trên tay túi Gucci 2009, L. tiếp thị: Hàng của chị đây. Bảo đảm không thua hàng hiệu. Nếu muốn so sánh, em sẽ để một túi hàng hiệu bên cạnh một túi hàng nhái, đố chị nhận ra. Bởi vậy mới có chuyện nhiều nhân vật nổi tiếng cũng dùng hàng Quảng Châu mà không sợ quê. L. kể: “Đâu phải ca sĩ nào cũng có tiền mua một lúc cả chục túi xách hàng hiệu giá vài chục triệu đồng/cái. Nên giải pháp dùng hàng nhái có vẻ hữu hiệu. Tuần rồi, ca sĩ L. mới đặt em 6 túi xách mẫu mới nhất, chỉ 1,6 triệu – 2,5 triệu đồng/cái, rẻ chán. Chị cứ yên tâm, muốn “bánh chưng” (từ lóng chỉ sự chưng diện) cứ dùng hàng Quảng Châu. Không chỉ có Gucci, em còn cung cấp đầy đủ mặt hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Hermes, Channel, Prada, Burberry, Marc Jacobs... gồm cả quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, dây nịt...”.


Đang tiếp tôi, điện thoại L. reo. Một đơn đặt hàng gồm 4 túi xách, 3 đôi giày và 2 mắt kính “made in Quảng Châu” được L. xác nhận. “Tại chị là bạn chị Hồng nên em mới cho mục kích chứ không có ai được gặp trực tiếp như thế này đâu. Hàng giả hiệu mà bán công khai, quản lý thị trường họ bắt chết. Muốn mua hàng, mời lên mạng” – L. nói.

Theo lời kể của V., một đầu mối cũng đang bán hàng Quảng Châu tại nhà ở chung cư S. (quận 3 – TPHCM), hàng Quảng Châu được phân ra thành 3 cấp. Hàng giá bèo mua tại khu chợ “Sập xám Hồng” chỉ mở cửa phục vụ vào buổi sáng. Sang hơn một chút thì đến khu Bạc Mà (người Việt thường gọi là Bạch Mã, mở cửa từ 11 giờ đến 17 giờ, mỗi ngày) với những sản phẩm có chất lượng tương tự hàng xuất khẩu được bán tại thị trường VN. Và loại cao cấp là hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới như nói trên.


Siêu rẻ và đủ kiểu bán hàng


Làn sóng “mê tín” hàng Quảng Châu bắt đầu từ Hà Nội cách nay 2 năm nên lúc đó lực lượng “đánh hàng” chủ yếu là giới kinh doanh Hà Nội. Gần đây, làn sóng này lan vào TPHCM. Có cầu ắt có cung, một số đường dây “đánh hàng” trực tiếp từ Quảng Châu về TPHCM xuất hiện.


Nếu như hàng bèo thường được đưa về bán ở các chợ, hàng khá hơn một chút bán ở các cửa hàng, shop thì hàng giả hiệu phần lớn bán qua mạng và qua điện thoại với mức giá “siêu lợi nhuận”. Chẳng hạn, một khăn quàng giả hiệu Salvatore Ferragamo (có thể quấn thành áo) giá gốc từ Trung Quốc tính ra chỉ 26.000 đồng, về VN giá lên tới 140.000 đồng nhưng so với giá hàng hiệu khoảng 500.000 đồng/ cái thì vẫn thấp hơn rất nhiều nên người ta đua nhau mua. Các mặt hàng giày dép giá trung bình chỉ 150.000 đồng/đôi, quần áo tuổi teen chỉ 40.000 đồng/sản phẩm, túi xách từ 200.000 đồng – 350.000 đồng/cái, dây nịt 30.000 đồng/cái, điện thoại di động  200.000 đồng – 400.000 đồng/máy...  nhưng về đến VN giá đều gấp từ 5 – 7 lần.  


Hải (nhà ở quận 3), người chuyên sưu tầm hàng Quảng Châu, chỉ dẫn: Chỉ cần truy cập các địa chỉ như www.enbac.com, www.rubyshop.com.vn, www.4mua.vn... là thấy hàng hóa được chụp ảnh rất chi tiết. Đa số đều áp dụng hình thức chuyển khoản 50% giá trị món hàng, khi nào hàng được giao đến tận nhà mới phải trả số tiền còn lại cộng thêm phí vận chuyển từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/món, mua 3 món trở lên sẽ được miễn phí vận chuyển...


Nỗi lo cho hàng VN


Các đầu mối chuyên “đánh hàng” từ Quảng Châu cho rằng sở dĩ hàng Quảng Châu có giá rẻ vì đa số nguyên phụ liệu như vải, dây kéo, ruy băng... không cần phải chứng minh nguồn gốc, chứng minh sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, lượng hàng của Quảng Đông không chỉ cung ứng cho thị trường các quốc gia lân cận mà còn cung cấp rất nhiều nơi trên thế giới nên thường được sản xuất với số lượng lớn, giá thành thấp. Loại hàng này khi vào VN lại là hàng trốn thuế nên dù có bán với giá “trên trời” thì vẫn còn rất rẻ. Vì vậy đây là nỗi lo cho các đơn vị may mặc trong nước, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, sẽ bị cạnh tranh gay gắt và Nhà nước cũng bị thất thu thuế rất lớn... Vị chuyên gia này còn băn khoăn: Trên đây chỉ là một vài lý do để giải thích vì sao hàng hóa của Quảng Đông được bán rất rẻ. Tuy nhiên, còn nhiều mặt hàng giá rẻ đến bất ngờ như mắt kính, bóp, nữ trang... chỉ từ 5.000 đồng – 10.000 đồng/sản phẩm thì đến nay vẫn chưa thể tìm được lời giải thích vì sao nó lại “siêu rẻ” đến như vậy! 

“Đánh hàng” Quảng Châu: Quá dễ !


Gõ vào Google: “Đi lấy hàng ở Quảng Châu”, bạn sẽ có trong tay đầy đủ “cẩm nang đi buôn”. “Tất cả mọi thứ đều được tổ chức, chuẩn bị trong một kế hoạch tổng thể” – tiến sĩ Lê Đăng Doanh phải thốt lên.


Và quả đúng như vậy, trong một lần tham gia đoàn khảo sát về hàng Trung Quốc, tôi thấy chuyện “đánh hàng” từ Trung Quốc về VN quá đơn giản. Đơn giản đến mức chỉ cần nhấc điện thoại, sẽ có xe đến đón tận nhà, đưa đến tận Hữu Nghị quan, Lạng Sơn. Còn thủ tục, cũng có nhà xe lo giúp: giấy thông hành hay visa đều được phục vụ nhanh chóng. Bên kia biên giới, các hãng xe có sẵn người đứng đón. Ghé Bằng Tường ăn tối, lên xe, nằm ngủ một giấc trong lúc chiếc xe vượt gần 1.000 km đường cao tốc. Mở mắt ra là đã đến Quảng Châu. Tôi tận mắt chứng kiến khu vực lân cận của Bến xe Việt Tú Nam giống như một khu người Việt thu nhỏ, với đủ mọi dịch vụ phục vụ những người đi buôn chuyến. Từ đây, mọi người sẽ tỏa ra đủ các ngả đường và bắt đầu một cuộc đi săn tìm hàng hóa: đến các khu chợ hàng vải, chợ đồ điện tử, chợ điện thoại hay chợ giày da, chợ vải vóc hay chợ nguyên phụ liệu... Người chưa quen thì đi cùng tai (hướng dẫn, phiên dịch kiêm khuân vác hàng hóa). Người đã thông thạo thì đi hai người để một người giữ hàng, một đặt hàng. Người khác thì đến thẳng các xí nghiệp, nhà máy đặt hàng... Đến chiều, sau một ngày mệt nhoài, những nhà buôn tập trung về khách sạn để đóng hàng. Từng kiện, từng kiện khoảng 100 kg được xếp gọn gàng, ghi rõ địa chỉ để chờ lên đường vượt biên giới về đến những cửa hàng, những khu vực chuyên doanh tại đủ các thành phố trong nước. Các điểm chuyển hàng đều có hai sự lựa chọn cho khách: đi chính ngạch (có đóng thuế đầy đủ) hoặc tiểu ngạch (trốn thuế). Nhưng hầu hết mọi người mặc định chọn phương án... ít tốn tiền và ít thủ tục rườm rà hơn.


Nếu không thích tự mình đi thì đã có hàng loạt công ty của cả Trung Quốc và VN tận tình thực hiện công việc hỗ trợ buôn bán hàng từ Quảng Châu về cả Hà Nội, TPHCM và thậm chí cả những tỉnh, thành khác.


Trần Nguyên (chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo