Ngày 16-10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng, chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo 4 bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và Thông tin - Truyền thông (TT-TT).
Doanh nghiệp nghi ngờ
Báo cáo mới nhất từ tổ công tác cho thấy đến nay các bộ, ngành mới cắt giảm được 1.517/6.191 điều kiện kinh doanh, 1.700/9.926 dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, chưa đạt được con số 50% theo mục tiêu ban đầu. Chỉ có 7 bộ vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao trong đơn giản hóa, cắt giảm các dòng hàng phải kiểm tra, gồm Bộ Công Thương, TT-TT, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học - Công nghệ, GTVT, Xây dựng và Tài nguyên - Môi trường. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Y tế còn rất nhiều dòng hàng chưa cắt giảm.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), cho rằng doanh nghiệp (DN) rất kỳ vọng vào cải cách của Chính phủ nhưng họ cũng đang nghi ngờ. "DN nghi ngờ liệu các bộ, ngành có làm thật hay không. Dư luận cũng băn khoăn liệu bộ ngành có chạy theo thành tích. Tôi đánh giá đây là lo lắng hợp lý của DN. Và nhiệm vụ của chúng ta là phải chứng minh được mình làm thực chất" - TS Nguyễn Đình Cung nói.
Doanh nghiệp làm thủ tục tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCMẢnh: Tấn Thạnh
Viện trưởng CIEM đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương và lấy Nghị định mới về kinh doanh gas và Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo làm dẫn chứng cho việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất, tác động tích cực đến DN. "Trong số 50% điều kiện kinh doanh các bộ, ngành nói đã cắt bỏ nhưng chỉ gỡ hoàn toàn 10%, 40% còn lại đơn giản hóa thủ tục, nên có hiệu quả, tác động tích cực đến DN hay không còn phụ thuộc vào thái độ làm việc của các cấp ở dưới" - ông Cung nhấn mạnh.
Xin cấp phép 52 lần/năm
Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội ngành hàng, chuyên gia đã được mời đến để "đối chất" với lãnh đạo các bộ về thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô có một số điểm bất hợp lý, nếu không được chỉnh lý sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh và sự phát triển của ngành vận tải trong thời kỳ hội nhập.
Một số điểm trong dự thảo này không tạo thuận lợi mà còn gây khó cho DN khi "đẻ" thêm điều kiện. Cụ thể, khoản 2 điều 23 quy định về thời hạn của phù hiệu tăng cường cuối tuần là "không quá 3 ngày". "Như vậy DN sẽ phải đến sở GTVT 52 lần/năm để xin cấp phù hiệu tăng cường dịp cuối tuần. Do đó, chúng tôi kiến nghị không đưa thời hạn 3 ngày này vào" - ông Hùng nói.
Đánh giá kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam là xác đáng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận quy định nêu trên là tạo thêm "giấy phép con", phiền hà cho DN, tạo kẽ hở cho tình trạng nhũng nhiễu, "bôi trơn". Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng thừa nhận đây là một Nghị định phức tạp nên sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến các bên để hoàn thiện trình Chính phủ.
Kiến nghị tới Tổ công tác của Chính phủ và các bộ, ngành, ông Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, đề nghị đối với các lô hàng hóa của cùng một nhà máy, cùng một chủng loại chỉ phải kiểm nghiệm để cấp chứng nhận một lần.
Góp ý thêm về nội dung này, đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) nêu thực tế điều kiện kinh doanh sửa đổi chỉ mang tính chất câu từ, chưa có sự thay đổi căn bản. Theo đó, VCCI kiến nghị cần có chính sách ưu tiên với DN có lịch sử tốt đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Phía VCCI cho rằng với những DN có mức độ tuân thủ pháp luật cao trong hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng không ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, an ninh quốc gia… cần được hưởng chính sách ưu tiên. Theo VCCI, kiến nghị này đã được đơn vị đề cập nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được vận dụng.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của các bộ trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng cũng bày tỏ lo ngại về việc cắt giảm có thực chất không hay gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia. Ông Mai Tiến Dũng lấy dẫn chứng về dự thảo Nghị định điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực kho bãi logistics do Bộ Tài chính xây dựng đang có rất nhiều ý kiến cho rằng DN bị "gò ép", cần sửa đổi theo hướng tích cực. "Đừng đưa ra yêu cầu về quy mô như thế nào, những việc của DN thì đừng can thiệp, không nên quy định xơ cứng" - Bộ trưởng Dũng nói.
Ông Mai Tiến Dũng khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở thường xuyên nhưng đến nay còn nhiều việc "các bộ hứa nhưng chưa làm được". Sắp tới, tổ công tác sẽ có những đánh giá, báo cáo sát thực tế hơn để đo mức hiệu quả của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đối với DN như thế nào. Đồng thời, rà soát những điều kiện "đẻ" thêm gây rào cản cho hoạt động của DN.
Khiếu nại vì bị hành
Mới đây, ông Trần Hoàng Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Nghiên cứu và Xuất khẩu gạo thơm ITA RICE, đã gửi đơn khiếu nại đến Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công Thương và giám đốc Sở Công Thương TP HCM.
Theo ông Ân, ngày 8-6, công ty nộp hồ sơ đến Sở Công Thương TP đăng ký thực hiện chương trình khuyến mãi "Mua gạo hôm nay - Trúng ngay nhà đẹp" từ ngày 23-7 đến 20-10 và được cơ quan này xác nhận phê duyệt chương trình. Tuy nhiên, vì lần đầu tiên thực hiện chương trình quay số trúng thưởng nên việc triển khai chậm hơn kế hoạch (cụ thể là việc in tem khuyến mãi bị trục trặc). Ngày 15-8, công ty gửi hồ sơ xin lùi thời gian thực hiện chương trình từ ngày 20-8 đến 17-11. Đề nghị này bị Sở Công Thương từ chối và "Đề nghị thực hiện như ban đầu".
DN đã 2 lần trực tiếp đến Sở Công Thương làm việc nhưng vẫn không được chấp thuận cho thay đổi thời gian tổ chức khuyến mãi mà chỉ nói chung chung rằng việc lùi thời gian khuyến mãi là thực hiện không đúng chương trình khuyến mãi như đã đăng ký với cơ quan nhà nước, sẽ bị phạt. "Cán bộ sở không đưa ra được bất kỳ điều khoản nào quy định không được thay đổi thời gian tổ chức khuyến mãi" - ông Ân cho biết.
Ông Ân nói thêm là kể từ ngày nộp đơn đăng ký chương trình khuyến mãi, DN chưa có bất cứ hoạt động công bố, quảng bá, giới thiệu về chương trình trên phương tiện thông tin đại chúng, điểm bán hàng hay website công ty. Do đó, việc xin lùi thời gian tổ chức khuyến mãi không làm ảnh hưởng đến thị trường. Công ty cũng không vi phạm bất cứ điều khoản nào trong Luật Thương mại cũng như nghị định, thông tư mà Sở Công Thương trích dẫn.
T. Nhân
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!