Mỗi ngày doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thu về hàng chục tỉ đồng. Thế nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn ở mức cao kỷ lục suốt hơn hai tuần nay với 25.640 đồng/lít xăng A92.
Theo cổng thông tin của Hiệp hội Xăng dầu VN (VINPA), bảng giá cập nhật mới nhất đến ngày 24-7 cho thấy mỗi lít dầu hỏa đạt lợi nhuận cao nhất là 238 đồng, dầu diesel lãi 233 đồng/lít. Nếu tính cả lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thì hai mặt hàng này có lãi lần lượt 538 đồng và 533 đồng/lít.
Đối với xăng và dầu mazut, vì được sử dụng mức trích quỹ bình ổn nên hai mặt hàng này cũng đang có lãi 161 đồng/lít và 184 đồng/kg.
Cộng thêm lợi nhuận định mức 300 đồng/lít thì mỗi lít xăng doanh nghiệp ngành xăng dầu đang lãi tới 461 đồng và dầu mazut lãi 484 đồng/kg. Ông Trịnh Quang Khanh - phó chủ tịch thường trực VINPA - thừa nhận doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi thật.
Thực tế cho thấy diễn biến giá xăng dầu thế giới từ đầu tuần giảm mạnh. Cụ thể, ngày 24-7 giá xăng A92 giao dịch trên thị trường Singapore chỉ còn 115 USD/thùng, giảm tới 8 USD/thùng so với đợt tăng giá xăng gần đây nhất là ngày 7-7.
Ông Trịnh Quang Khanh cho biết trung bình mỗi ngày thị trường nội địa tiêu thụ khoảng 38 triệu lít xăng dầu các loại. Như vậy, với diễn biến giá thế giới giảm mạnh khiến suốt mấy ngày qua doanh nghiệp xăng dầu lãi vài chục tỉ đồng. Chẳng hạn, riêng ngày 25-7 doanh nghiệp ngành xăng dầu bỏ túi khoảng 18 tỉ đồng.
Giải thích lý do chưa thể giảm ngay giá xăng dầu, ông Trịnh Quang Khanh - đại diện các doanh nghiệp ngành xăng dầu - cho rằng việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đang nằm trong tay Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), doanh nghiệp không được quyền quyết. Mặt khác, có thể lúc này Bộ Tài chính muốn tạo thuận lợi cho ngành xăng dầu. Bởi thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, lợi nhuận định mức bình quân sáu tháng đầu năm tính không đủ 300 đồng/lít, kg.
Ông Khanh cũng thừa nhận việc lấy giá bình quân 30 ngày để căn cứ tính giá cơ sở là nguyên nhân khiến giá thế giới giảm, giá bán lẻ trong nước không giảm, thậm chí lại tăng ngay, còn khi giá thế giới tăng thì mình giảm giá trong nước. “Giá xăng dầu thế giới điều chỉnh hằng giờ, mà mình lấy bình quân 30 ngày thì làm sao có thể nói tăng, giảm theo diễn biến giá thế giới được. Chính sách điều hành xăng dầu khiến người dân cảm thấy không minh bạch, có vấn đề!” - ông Khanh nói.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng bất cập trong cách tính giá như nêu trên là vấn đề đã được cả Bộ Tài chính và Bộ Công thương nhận thấy từ hai năm trước và đã được điều chỉnh rút ngắn thời gian tính giá xăng dầu bình quân xuống còn 15 ngày trong dự thảo sửa đổi nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, không rõ lý do gì mà nghị định mới vẫn chưa được ban hành. Nếu chậm ban hành và áp dụng việc rút ngắn thời gian tính giá xăng dầu ngày nào thì quyền lợi của người dân sẽ bị ảnh hưởng ngày đó.
Xăng nhập từ Singapore giảm nhiều
Theo số liệu từ Hãng tin Bloomberg (Mỹ), giá dầu thế giới đang có tuần giảm giá thứ ba trong tháng 7. Phiên ngày 25-7, trên thị trường châu Á, giá dầu thô giao tháng 9 giảm xuống mức 102 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 16-6. Tính chung giá dầu giảm hơn 1% tuần này.
Tương tự, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore, nguồn cung cấp xăng cho VN, cũng giảm nhiều trong tuần. Theo số liệu từ Hiệp hội Xăng dầu VN, chốt phiên 24-7, giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore đã xuống mức 115,6 USD/thùng (xấp xỉ 0,73 USD/lít), mức thấp nhất kể từ ngày 8-5.
Bình luận (0)