Bộ Công Thương vừa cung cấp thông tin về cuộc họp với 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, diễn ra vào ngày 12-10.
Trước đó, Báo Người Lao Động cũng đã đưa tin tại cuộc họp báo ngày 12-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cung cấp một số nội dung chính về cuộc họp nêu trên và các giải pháp cơ bản được đưa ra để giải quyết vấn đề nguồn cung xăng dầu.
Tại cuộc họp ngày 12-10, đại diện doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, bà Phạm Thị Băng Trang, Tổng giám đốc Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp đầu mối đều gặp khó khăn. Tại Bình Dương, trong một số thời điểm xảy ra tình trạng khan hiếm, nên người dân đổ dồn vào những cây xăng trên trục đường chính. Còn cây xăng trên trục đường nhỏ không xảy ra tình trạng ùn ứ, khan hàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp ngày 12-10. Ảnh: Bộ Công Thương
Bà Trần Thị Tuyết Mai, đại diện Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà, cũng nhấn mạnh tình trạng do doanh nghiệp đang lỗ lớn do chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được. Tại cuộc họp, bà Mai đề nghị Chính phủ, liên Bộ Công Thương - Tài chính xem xét, cân đối lại, chấp nhận các chi phí thực tế mà doanh nghiệp bỏ ra.
"Chi phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý I chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít; quý III là 967 đồng/lít, tức là bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?"- bà Mai nêu rõ.
Do đó, bà Trần Thị Tuyến Mai đề nghị các cơ quan chức năng nên điều chỉnh 6 tháng/1 lần chi phí thực tế của doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong quá trình kiểm tra, nếu có sơ suất thì tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục.
Là 1 trong 7 doanh nghiệp bị tạm giữ giấy phép trong 45 ngày, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt OIL, cho biết sau 45 ngày tạm giữ giấy phép, việc đứt gãy nguồn cung cục bộ sẽ xảy ra.
Theo ông Thắng, năm 2021, Xuyên Việt OIL là doanh nghiệp đứng thứ 2 về mức đóng thuế ở TP HCM. Do đó, việc tạm giữ giấy phép gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp mất hết uy tín. "Công ty đã có giải trình rất kỹ với lực lượng quản lý thị trường về những khó khăn của việc tước giấy phép sẽ xảy ra đối với doanh nghiệp, kể cả trong việc vay vốn và ký kết các hợp đồng nước ngoài"- ông Thắng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đầu mối cho biết gặp nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực đảm bảo nguồn cung cho thị trường. Ông Huỳnh Nguyễn Bạch Tuyên, Phó Giám đốc Chi nhánh phân phối sản phẩm Lọc dầu Nghi Sơn, nhấn mạnh Quý II, III nhà máy đã sản xuất tương đối tốt, đảm bảo các yêu cầu của khách hàng đã cam kết, thậm chí quý III lượng xăng đã vượt so với ký kết. Quý IV sản lượng của nhà máy cam kết sản xuất đều vượt mức so với thời gian trước đây.
Tương tự, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, thông tin trung bình 9 tháng nhà máy sản xuất vượt kế hoạch 106% mặc dù những tháng đầu năm còn thấp do nhu cầu sản phẩm trong nước rất cao. "Nhà máy cũng cam kết đảm bảo cung cấp tối đa nguồn cung trong nước"- ông Dương nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, để tháo gỡ khó khăn, cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng cần phải rà soát lại chi phí. Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng, kiến nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu định mức chi phí.
Đối với định mức premium (chi phí theo bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu doanh nghiệp đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về, ông Quỳnh cho rằng nên điều chỉnh hàng tháng để sát tình hình thị trường. Chi phí định mức trong nước đề nghị điều chỉnh 6 tháng, mặc dù đã điều chỉnh nhưng chưa đúng với thực tế.
"Định mức chi phí xăng dầu đã có từ năm 2014 đến bây giờ, nhưng các chi phí khác như thuê đất, lương đều tăng, gây ra bất cập. Do vậy, mỗi năm cần phải xem xét chi phí định mức cho các cửa hàng xăng dầu. Tôi đề nghị Cục giá và Bộ Tài chính hết sức lưu ý, việc này là nền tảng cho việc tạo nguồn" - ông Quỳnh kiến nghị.
Nhấn mạnh chi phí vận chuyển của các thương nhân đầu mối năm nay rất cao, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, kiến nghị Liên Bộ Công Thương - Tài chính chia sẻ với khó khăn này của doanh nghiệp để có phương án tháo gỡ.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cơ bản thống nhất với những giải pháp, kiến nghị đưa ra tại cuộc họp. Theo ông Hải, trong bối cảnh hiện nay của cả thế giới, khu vực, Việt Nam là một trong những nước có kết quả đáng ghi nhận trong việc đảm bảo cân đối lớn về năng lượng, trong đó có lĩnh vực xăng dầu và điện.
Các doanh nghiệp nêu kiến nghị tại cuộc họp. Ảnh: Bộ Công Thương
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. "Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70-80%, tức là vẫn phải nhập khẩu 20-30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Vì vậy, phải tháo gỡ khó khăn, tính đúng, tính đủ chi phí thực tế, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu...- Thứ trưởng cho hay.
Lãnh đạo Bộ Công Thương giao Vụ Thị trường trong nước xem xét các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nếu trong phạm vi giải quyết của Bộ Công Thương thì cần sớm xử lý. Những nội dung không thuộc quyền hạn, chức năng của Bộ thì phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương có liên quan để giải quyết. Đối với những nội dung vượt quá thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ và có những tham mưu, đề xuất cụ thể.
Liên quan đến công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn yêu cầu về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa.
Cụ thể, cơ quan này yêu cầu hai doanh nghiệp sản xuất xăng dầu được yêu cầu duy trì hoạt động sản xuất ổn định cho các nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể để cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.
Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo hợp đồng đã ký, sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối là những đơn vị không có hợp đồng dài hạn với nhà máy, bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ, nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng để cung ứng cho thị trường trong nước.
Bình luận (0)