xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn ấm ức

Ngọc Ánh - Ca Linh - Minh Chiến

Các doanh nghiệp cho rằng việc chỉ cho phép đăng ký mở tờ khai hải quan đến 400.000 tấn rồi dừng lại sẽ dẫn đến tình trạng "xí chỗ"

Ngày 14-4, một số doanh nghiệp (DN) tiếp tục gửi đơn kiến nghị lên Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan xung quanh hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu vừa mở đã hết.

Kiến nghị hủy bỏ toàn bộ tờ khai

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), cho biết trong ngày đã gửi đơn kiến nghị được ưu tiên hỗ trợ mở tờ khai xuất khẩu gạo tồn đọng của DN với số lượng hơn 3.600 tấn. Ngoài ra, ông còn đề nghị phân bổ lại hạn ngạch theo tỉ lệ đóng góp của DN vào sản lượng xuất khẩu gạo năm 2019. Theo ông, khi bị dừng xuất khẩu gạo đột ngột từ ngày 24-3, DN thiệt hại rất lớn, trong đó có chi phí lưu kho bãi hơn 3.000 tấn gạo trên sà lan tại cảng, lo ngại chất lượng gạo bị giảm ở phần đáy. DN còn lo không có tiền trả ngân hàng do không xuất khẩu được và mất uy tín với khách hàng.

Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cũng có đơn khiếu nại lần 2 liên quan đến vấn đề trên và kiến nghị hủy bỏ toàn bộ tờ khai từ 0 giờ ngày 12-4 đến nay. Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo một cách minh bạch, tránh gây thiệt hại cho các DN. Trước tiên, hải quan cho các DN khai tiếp những lô hàng đang dang dở và cho thông quan toàn bộ số hàng đã nằm tại cảng (số lượng không quá 250.000 tấn). Tiếp đó, hải quan cho DN đăng ký mới xuất khẩu gạo tự do đến 2 triệu tấn, tờ khai nào đăng ký trước sẽ được xuất khẩu trước và thông quan đến 400.000 tấn thì dừng. Tờ khai nào DN không thực hiện xuất khẩu sau 15 ngày phải chờ đợt sau. Theo DN này, việc chỉ cho phép đăng ký đến 400.000 tấn rồi dừng lại sẽ dẫn đến tình trạng "xí chỗ", dù không xuất khẩu hết vẫn tiếp tục được đăng ký đợt sau.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn ấm ức - Ảnh 1.

Hàng ngàn tấn gạo chất tại các kho của doanh nghiệp nhưng chưa xuất khẩu được. Ảnh: NGỌC TRINH

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho rằng nếu không giải quyết thỏa đáng vụ việc hải quan mở hệ thống phần mềm tiếp nhận tờ khai cho hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu sẽ gây bức xúc lớn cho DN, còn hơn cả lúc có lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo.

Theo ông Toại, Cần Thơ có 4 DN đăng ký xuất khẩu 33.000 tấn gạo nhưng bị tạm ngừng. Khi đăng ký trong hạn ngạch 400.000 tấn, những DN có hàng tại cảng không đăng ký được, còn DN đăng ký được chở hàng lên cảng tạo ra cảnh ùn ứ, thậm chí là xung đột giữa các DN. Từ ngày 23-3 đến nay, các DN phải chịu tiền phí kho, bãi… nên họ rất mong chờ ngày cho xuất khẩu trở lại. "Bây giờ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cần thành lập đoàn để giải phóng hàng tại cảng. Chứ không phải cho đăng ký vào ban đêm, mạnh DN nào vào đăng ký, cái này không minh bạch, không thuyết phục được tất cả DN. Cần phải tháo gỡ nút thắt này, giải quyết có tình có lý" - ông Toại bức xúc.

Ông Toại cũng đề xuất DN nào còn tồn đọng hàng tại cảng, sà lan từ ngày 23 đến ngày 30-3 được xem là ưu tiên 1, DN đã ký hợp đồng giao hàng từ ngày 1 đến 10-4 là ưu tiên 2. Và giải quyết cho lượng hàng của những DN này xuất trước. Khi giải quyết 2 trường hợp này xong rồi mới xem xét những trường hợp còn lại. "DN nào đi trước được xuất trước, đi sau phải xuất sau, cần có trình tự ưu tiên. Còn như bây giờ hàng tại cảng ùn ứ, DN đem hàng lên sau không biết chứa ở đâu" - ông Toại nói thêm.

Hải quan khẳng định không có tiêu cực (!)

Trước một số ý kiến cho rằng có dấu hiệu trục lợi, không minh bạch trong việc mở tờ khai hải quan, ngày 14-4, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, tiếp tục khẳng định việc mở tờ khai hoàn toàn tự động trên hệ thống điện tử và đã áp dụng nhiều năm nay. Ông Cẩn cho rằng hệ thống mở liên tục, không kể thời điểm 0 giờ hay bất kỳ khung giờ nào trong ngày và không có sự can thiệp tiêu cực của công chức hải quan hay cơ chế "xin - cho", phiền hà sách nhiễu trong việc mở tờ khai. "Hệ thống mở tự động, trừ lùi hạn ngạch trên hệ thống, khi DN đã đăng ký đủ số lượng theo hạn ngạch, những DN đăng ký sau sẽ bị bật ra, không có chuyện ưu ái" - ông Cẩn nhấn mạnh.

Đối với phản ánh của DN về việc khi hải quan cho mở tờ khai thì phải ưu tiên cho các lô gạo của các DN đã và đang khai dở dang, bị ách tắc do lệnh dừng xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Cẩn giải thích theo Luật Hải quan, tờ khai chỉ có hiệu lực trong vòng 15 ngày. Do đó, một số DN đã bị tạm dừng theo yêu cầu của Chính phủ, khi tờ khai hết hiệu lực phải mở lại tờ khai mới. Tuy vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét cho phép triển khai theo hướng đấu thầu hạn ngạch hoặc khống chế số lượng đăng ký tối đa của mỗi DN trên tờ khai để tránh sự việc không đáng có như vừa qua.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí cùng ngày, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho rằng hải quan chưa từng thông báo giờ mở nhận tờ khai xuất khẩu bất cứ mặt hàng nào. Hệ thống hoạt động tự động nên nhận thông tin mọi thời điểm. Nhưng trước ý kiến của DN về việc cần có thông báo thời điểm mở nhận tờ khai xuất khẩu mặt hàng gạo, ông Mai Xuân Thành cho biết cơ quan hải quan sẽ tiếp thu kiến nghị này.

Theo PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, Việt Nam nên cho phép xuất khẩu gạo bình thường như Thái Lan thay cho phương án xuất khẩu theo hạn ngạch để tránh tiêu cực. Việc mở cổng đăng ký hải quan xuất khẩu gạo lúc nửa đêm rồi chỉ vài giờ đã hết hạn ngạch khiến nhiều DN phải làm đơn "kiện cáo" là minh chứng.

PGS-TS Dương Văn Chín cho rằng Thái Lan cũng bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng không ngưng xuất khẩu gạo dù họ chỉ sản xuất mỗi năm 1 vụ, năng suất chỉ 2-3 tấn lúa/ha, trong khi Việt Nam trung bình 6,5 tấn lúa/ha, mỗi năm 3 vụ. Năm nay vụ đông xuân (vụ chính trong năm) ở ĐBSCL, miền Trung đều trúng mùa, Việt Nam nên tranh thủ xuất khẩu để được giá cao, khích lệ nông dân trồng lúa. Bởi lẽ, khi Covid-19 dịu đi, Ấn Độ (nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới) kết thúc cách ly, cho xã hội hoạt động trở lại bình thường, gạo Ấn Độ sẽ tung ra thị trường toàn cầu và giá gạo sẽ đi xuống thảm hại. "Các nước không sản xuất được gạo mới lo dự trữ gạo trong kho, còn Việt Nam quanh năm đều có nơi thu hoạch lúa, đây chính là điều bảo đảm an ninh lương thực nhất. Hiện tại, rau quả, thủy sản, cà phê, hồ tiêu,… xuất khẩu đều gặp khó khăn, chỉ có gạo là điểm sáng của nông nghiệp, chúng ta nên tận dụng cơ hội" - PGS-TS Chín phân tích. 

Theo danh sách các DN đã đăng ký thành công trong hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4, có 3 DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng sau đó đã từ chối ký hợp đồng là Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Mỹ Tường.

Trong khi đó, một số DN "may mắn" đăng ký mở tờ khai xuất khẩu gạo đợt này cho biết chiều 14-4, phía hải quan đã thực hiện kiểm hóa các lô hàng để cho thông quan. Đây là những lô hàng đã tồn từ trước ngày 24-3, những lô hàng đăng ký mới chưa được giải quyết mà còn phải đợi xác minh.

Mới mua được 7.700 tấn gạo dự trữ

Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 14-4, ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết lượng gạo dự trữ quốc gia năm 2020 được Chính phủ phê duyệt là 190.000 tấn nhưng đến nay mới mua được 7.700 tấn, do nhiều DN đã trúng thầu nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng theo quy định. Một số DN trúng thầu cung cấp gạo dự trữ nhưng sau đó từ chối ký hợp đồng như Công ty CP Thương mại Minh Khai (5 gói thầu), Công ty CP Liên Bảo Thành (1 gói), Công ty TNHH Thủy Dương (1 gói), Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh (1 gói).

Nguyên nhân được các DN này lý giải là do tại thời điểm mở thầu họ thấy giá ổn nhưng sau đó thị trường thay đổi, giá tăng, họ không đáp ứng được nguồn gạo để cung cấp theo các gói thầu đã trúng. Tuy nhiên, để biết nguyên nhân chính xác, ông Đỗ Việt Đức cho rằng cần phải tìm hiểu kỹ và xem xét nhiều khía cạnh. Còn việc hủy thầu sẽ được giải quyết theo quy định của Luật Đấu thầu, trong đó toàn bộ tiền bảo lãnh dự thầu của các gói thầu sẽ không được hoàn lại.

Theo ông Đức, Tổng cục Dự trữ nhà nước đang trình Bộ Tài chính để tổ chức đấu thầu lại, bảo đảm kế hoạch mua gạo dự trữ cho năm 2020 theo phê duyệt của Chính phủ. Từ kinh nghiệm thực tế, ông Đức thừa nhận việc DN từ chối ký hợp đồng sau khi đã trúng thầu là rất ít xảy ra trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Trong khi đó, PGS-TS Dương Văn Chín kiến nghị nhà nước nên đầu tư các silo (thùng chứa) hiện đại để trữ lúa gạo được 3 năm, chất lượng vẫn tốt thay vì phải mua gạo hằng năm để đảo kho như hiện nay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo