Vào những ngày cuối năm Canh Tý, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng với ông Phạm Lâm, Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DKRA Vietnam và hệ sinh thái số Houze, một trong những doanh nghiệp môi giới bất động sản có thể nói là thành công, đã trụ vững trong năm Covid-2020. Ông đã chia sẻ rất nhiều về những điều được, mất cũng như giá trị cốt lõi mà mình và công ty tích lũy được sau một năm đầy khó khăn vì đại dịch Covid-19 hoành hành.
Doanh nhân Phạm Lâm đến thời điểm hiện tại có thể được xem là người thành công trong lĩnh vực môi giới bất động sản.
Chưa ai phải nghỉ việc
Mở đầu câu chuyện, ông Phạm Lâm cho biết trước khi đại dịch Covid 19 xảy ra vào đầu năm 2020, thị trường bất động sản Việt Nam, nhất là tại TP HCM đã gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt thử thách đặt ra cho các công ty môi giới bất động sản là nguồn cung dự án khan hiếm, chủ đầu tư gặp khó vì thủ tục pháp lý bị vướng, hàng loạt dự án bị thanh tra, kiểm tra. Không ít doanh nghiệp môi giới rầm rộ triển khai chiến lược bán hàng nhưng dự án bị tạm dừng, đóng cửa, phá sản. Do đó, áp lực đặt lên vai ông – một hệ thống gồm 6 công ty thành viên, 7 sàn kinh doanh và 500 nhân viên là vô cùng lớn.
"Ngay khi xuất hiện những tín hiệu khó khăn, các thành viên chủ chốt trong công ty đã bàn nhau sẽ quyết tâm tìm giải pháp, làm sao giảm ít nhất khó khăn, thiệt hại. Thanh lọc nhân sự, điều chỉnh giảm lương là hai phương án mà chúng tôi đã đặt ra. Nhưng trong khó khăn, câu chuyện tình người và vì cuộc sống của những con người từng gắn bó với mình đã giải được bài toán nhân sự cho chúng tôi bằng cách chấp nhận giảm lương và cùng vượt qua khó khăn" – ông Lâm chia sẻ.
Đó cũng là lý do trong thời gian khó khăn, DKRA Vietnam đã không sa thải nhân sự nào. "Tôi đã thỏa thuận và quyết định, người chịu thiệt, chịu giảm lương nhiều hầu hết là quản lý, lương cao, còn những người lao công, tạp vụ, bảo vệ thì vẫn bảo đảm giữ mức thu nhập trong thời gian khó" - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DKRA Vietnam kể lại.
Nguồn cung, lực cầu bất động sản giảm mạnh trong thời gian qua rất khó kiểm soát mà tròn 10 năm gầy dựng DKRA Vietnam, theo ông Phạm Lâm là chưa từng xảy ra. "Rất may là có quỹ dự phòng tích lũy được nên chúng tôi vẫn có nguồn vốn để duy trì hoạt động. Chưa hẳn không còn khó khăn nhưng chúng tôi có thể thở phào và nhận thấy quyết định của mình là đúng đắn, nó đã giúp cho chúng tôi hoạt động tốt trong lúc khó khăn và ổn định đội ngũ nhân sự quan trọng cho hiện tại để thực hiện nhiều kế hoạch".
Điều mà ông tâm đắc đó là đội ngũ nhân viên DKRA Vietnam vẫn có việc để làm, có thời gian để triển khai nhiều hoạt động góp phần gia tăng tiềm lực cho công ty. "Chúng tôi bám chắc hệ giá trị cốt lõi Tín - Trí - Đức và kiên định theo đuổi mục tiêu, gia tăng chuỗi giá trị dịch vụ để giữ vững tiềm lực. DKRA Vietnam đã, đang và sẽ là nhà cung cấp giải pháp hiệu quả trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản. Đặc biệt, hiện tại, DKRA Vietnam là công ty môi giới đầu tiên và cũng là công ty Việt Nam duy nhất có bộ phận nghiên cứu, phân tích, báo cáo ra thị trường thông qua việc công khai dữ liệu, thông tin cùng với các công ty nước ngoài khác" - ông Lâm tự tin chia sẻ.
Chuyển đổi số: Xu thế tất yếu
Đáng chú ý, vào cuối năm 2020 - đầu năm 2021, dù thị trường bất động sản khó khăn nhưng ông Lâm vẫn cho ra mắt hai công ty thành viên của DKRA Vietnam là DKRA Capella và DKRA Rigel nhằm hoàn thiện hơn chuỗi dịch vụ và liên kết chặt chẽ gồm: Nghiên cứu - phát triển, tư vấn đầu tư và quản lý phát triển đầu tư, tư vấn phát triển dự án, tiếp thị - phân phối - quản lý và vận hành bất động sản. Hiện DKRA Vietnam đã chuẩn bị được 10.000 sản phẩm để giới thiệu ra thị trường trong năm 2021.
Trả lời câu hỏi về xu thế tất yếu của ngành bất động sản ở hiện tại và tương lai, doanh nhân Phạm Lâm khẳng định chuyển đổi số là câu chuyện sống còn, là xu thế tất yếu. Đó là lý do anh sáng lập Houze Group với hệ sinh thái 6 cộng đồng, phát triển song hành từ 3 mô hình PropTech - FinTech - Mobile Commerce với những giải pháp công nghệ như Houze Building - Nền tảng công nghệ quản lý và khai thác tòa nhà hiệu quả; Houze Invest - Giải pháp kết nối hiệu quả đầu tư cho cộng đồng trên nền tảng công nghệ số; Houze Agent - Dịch vụ môi giới bất động sản trên nền tảng công nghệ số; House Map - Công nghệ dành cho môi giới bất động sản. Hiện tại, đội ngũ Houze Group đang có khoảng 100 nhân sự.
Ông Phạm Lâm giới thiệu về Houze Group với hệ sinh thái dành cho nghề môi giới.
"Chúng tôi không chắc chắn rằng mình là người giỏi nhất nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ nỗ lực trong từng hành động để tạo ra những giá trị tốt nhất cho khách hàng, người dùng" - đó là chia sẻ của ông Lâm với tư cách là nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Houze Group.
Sau 5 tháng ra mắt, ứng dụng House Map đã thu hút hơn 3.000 môi giới bất động sản sử dụng để bán hàng. Houze Building sau 3 tháng ra mắt đã có 15.000 lượt tương tác từ cư dân và 84% số lượng căn hộ cài đặt…, đó là một trong những con số ấn tượng mà Houze đã làm được trong năm qua.
Nói về những khó khăn hiện tại, ánh lên trong đôi mắt của người đàn ông này những ký ức về giai đoạn khó khăn từ 8-9 năm trước, lúc bắt đầu khởi nghiệp. Khi đó, thị trường bất động sản cũng gặp khó, Phạm Lâm ngày ấy cũng chưa có kinh nghiệm, chưa có nhiều khách hàng, đối tác chưa đủ lớn, quy mô công ty chỉ tầm 20 nhân sự. "Trong thời điểm khó khăn nhất, tôi tự nhủ là phải vượt qua, không thể dễ dàng bỏ cuộc. Lúc buồn nhất, tôi lại ngồi và tự viết thư cho mình. Tôi tự nói với bản thân đừng bi quan, khó khăn rồi sẽ qua, phải tìm mọi cách để trụ lại. Rồi cứ thế tôi đi tìm khách hàng, tìm thêm việc cho nhân viên. Khi ấy tôi nghiệm ra rằng mình cứ chịu thiệt một chút, chịu khó một chút và cứ tận tâm vì khách hàng thì khó mấy cũng qua" – nhà sáng lập DKRA Vietnam tâm sự.
"Nâng cấp" mã số cho nghề môi giới
Trải qua nhiều thăng trầm với nghề môi giới bất động sản, ông Phạm Lâm kỳ vọng thị trường này Việt Nam sẽ ngày càng minh bạch, chuẩn mực hơn khi có đội ngũ môi giới được cấp mã số hành nghề.
Ông Lâm cho rằng môi giới lâu nay được xem là cánh tay đắc lực cho chủ đầu tư nhưng thực tế đã có không ít những câu chuyện không vui xảy ra, mà đa phần các doanh nghiệp môi giới thường chịu thiệt. "Chúng tôi không được làm lớn chuyện vì sợ mất uy tín, mang tiếng và để lại ấn tượng xấu với khách hàng. Tuy nhiên, chúng tôi thực tế gặp rất nhiều khó khăn nếu chủ đầu tư không "fair". Vì vậy mà chúng tôi rất cần được chủ đầu tư thấu hiểu, giữ đúng cam kết với khách hàng để người làm môi giới an tâm bán sản phẩm" - ông Lâm tâm sự.
Hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người làm môi giới bất động sản nhưng chỉ 10% trong số đó có chứng chỉ hành nghề. Điều này đã tạo bức tranh xám, không tốt cho thị trường vì đội ngũ chưa chuyên nghiệp thì chắc chắn sẽ chưa thể chuẩn. Đau đáu về điều này, với tư cách là Phó Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, ông Lâm cho biết ông đã nhiều lần đề xuất các cơ quan chức năng việc cấp mã số hành nghề để định danh như một nghề, để hoạt động môi giới bất động sản được nâng tầm.
"Tôi mong muốn chứng chỉ hành nghề môi giới được nâng lên như thẻ hành nghề, được luật hóa cho hoạt động môi giới và được quản lý bằng công nghệ. Sau khi cấp chứng chỉ, người môi giới khi đến các phòng công chứng sẽ để lại đây mã số để xác nhận thông tin khi giao dịch. Đặc biệt, thẻ này có vai trò bảo vệ cho chính người làm nghề vì họ đảm trách thông tin, sự hiểu biết của mình để tư vấn cho khách hàng nên họ cũng phải có quyền có được thông tin chuẩn xác từ chủ đầu tư" - ông Lâm tâm đắc.
Bình luận (0)