Bất cập lớn nhất trong điều hành giá điện và xăng hiện nay là giá điện chỉ diễn biến một chiều có tăng mà không có giảm, giá xăng tăng nhanh giảm chậm. Dự kiến những hạn chế này sẽ được khắc phục khi có sửa đổi căn bản về cơ chế điều hành.
Giảm gánh nặng cho người dùng điện
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, bất cập của giá điện hiện nay là mức tăng thực chất lớn hơn nhiều so với mức tăng giá bình quân do Chính phủ phê duyệt. Vì đặc thù của giá điện là tính lũy tiến nên càng dùng nhiều giá càng đắt, lại có nhiều mức giá cho các đối tượng sử dụng khác nhau nên giá điện đến tay người tiêu dùng tăng cao gấp nhiều lần so với mức tăng của giá điện bình quân. Đây là một gánh nặng thật sự đối với người tiêu dùng.
Giá xăng tăng nhiều nhưng giảm ít. Ảnh: HỒNG THÚY
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng trong dự thảo Luật Giá, việc đề xuất Chính phủ quyết định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sẽ khắc phục được độ vênh giữa giá bán lẻ điện bình quân với giá điện thực tế.
Rút ngắn thời hạn lấy mốc tính giá xăng
Không phải sửa luật như cơ chế điều hành giá điện, việc sửa đổi cơ chế điều hành giá xăng có thể nhanh hơn vì chỉ cần sửa đổi Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và vấn đề này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Trong diễn biến giá xăng dầu đầu tháng 5 vừa qua, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính đã thử tính theo 20 ngày thì thấy mức chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán tăng lên 1.100 đồng/lít đối với xăng, trong khi cách tính theo 30 ngày là 828 đồng/lít. Điều này càng khẳng định việc tính giá cơ sở căn cứ theo 30 ngày là quá dài và không hợp lý, cần rút ngắn lại.
Sửa quy định về giá xăng Trước những bất cập của Nghị định 84, Chính phủ đã đồng ý giao hai bộ Tài chính - Công Thương đề xuất sửa đổi nghị định này để có giá xăng linh hoạt hơn. Hiện tại, Bộ Công Thương đã có đánh giá tổng kết thực hiện Nghị định 84 nhưng dự thảo sửa đổi, bổ sung nghị định này vẫn chưa được hoàn tất để gửi lấy ý kiến các bên liên quan. |
Bình luận (0)