Sáng 18/7, Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo kiểm toán năm 2011 về niên độ ngân sách 2010 với các nội dung liên quan tới thu, chi ngân sách Nhà nước; hoạt động của các Tổng công ty, Tập đoàn Nhà nước,..
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết mặc dù các nhà máy thủy điện thiếu nước, phải huy động nguồn điện chạy dầu và mua điện ngoài với giá cao gấp 3,4 lần giá bình quân, chi phí sản xuất vượt rất lớn so với phương án được duyệt nhưng EVN vẫn đảm bảo được nguồn cung điện với giá bình quân là 1.061,4 đồng/kwh, chỉ tăng 9,33% so với năm 2009.
Tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam còn cao, cơ chế hạch toán giá thành của EVN chưa tính toán, giảm trừ các khoản thu có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện.
Ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước, cho biết năm 2010, giá điện có thể được tiết kiệm 34 đồng/kwh nếu điều chỉnh chế độ hạch toán hiện nay.
Với các hoạt động kinh doanh khác khoảng 2.900 tỷ đồng, chi phí thì được tính vào giá thành nhưng lợi nhuận lại không. Khoản tiền này nếu được tính sẽ giúp giảm điện giảm khoảng 29 đồng/kwh.
Tuy nhiên, ông Khái cho biết, theo chế độ hiện nay, các khoản kể trên không được tính vào giá thành nên không giúp giảm giá điện. Kiểm toán Nhà nước chỉ khuyến cáo và kiến nghị rà soát các khoản để báo cáo Bộ Tài chính có sự chỉnh sửa cho phù hợp.
Ông Khái cũng cho biết, năm 2010, giá bán điện là 1.061,4 đồng/kwh trong khi giá thành là 1.184 đồng/kwh (con số kiểm toán đưa ra trước đó là 1.092 đồng/kwh) khiến EVN lỗ hơn 10.000 đồng.
Trong nội dung báo cáo kiểm toán được công bố sáng nay, Kiểm toán nhà nước cũng công bố về việc thực hiện chính sách bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu khác như xăng dầu, xi măng.
Theo báo cáo, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá (BOG) theo đúng hướng dẫn của Tổ Giám sát Liên Bộ Tài chính - Công Thương nên đã làm giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới liên tục biến động, giúp người tiêu dùng tại nhiều thời điểm năm 2010 được mua xăng dầu giá rẻ hơn so với các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Khái nói việc quy định trích quỹ BOG xăng dầu kể cả khi doanh nghiệp lỗ là nguyên nhân tạo nên quỹ ảo.
Ông Khái giải thích quỹ bình ổn giá hoạt động dựa trên giá cơ sở. Giá cơ sở được tính theo giá bình quân 30 ngày. Khi hạch toán, việc các doanh nghiệp lỗ hay lãi không được tính tới mà phụ thuộc vào sự thay đổi về giá.
Theo ông Khái, 30 ngày là khoảng thời gian rất dài, theo dõi khó khăn, trong 30 ngày, giá thế giới có thể tăng, giảm rất phức tạp. Từng doanh nghiệp mua vào ở các giá khác nhau nên lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng rất khác nhau. Thế nhưng mức trích lập lại giống nhau, vì vậy Quỹ bình ổn xảy ra bất cập do cơ chế.
Ông Khái kiến nghị nên nghiên cứu cách trích lập và sử dụng phù hợp hơn với QBO xăng dầu.
Bình luận (0)